Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Cứu bệnh nhân “đang chết” do vỡ động mạch chủ ngực

Ca phẫu thuật cứu anh H. kéo dài khoảng tám giờ - Ảnh: H.L.
Ca phẫu thuật cứu anh H. kéo dài khoảng tám giờ - Ảnh: H.L.

Sau khi siêu âm tim được chẩn đoán lóc tách động mạch chủ type A, tràn máu màng ngoài tim, anh H. được chuyển thẳng tới Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 để phẫu thuật càng sớm càng tốt mới có cơ hội sống sót.

Nhập viện lúc hơn 21g trong tình trạng lơ mơ, trụy tim mạch, huyết áp kẹt, da tái lạnh nổi vân tím, vã mồ hôi, vô niệu..., anh H. nhanh chóng được hoàn thành các xét nghiệm và triển khai mổ cấp cứu lúc 23g với chẩn đoán: lóc tách động mạch chủ type A, biến chứng chảy máu ép tim cấp, hở van động mạch chủ, thiếu máu cơ tim do lóc tách động mạch vành, suy đa tạng.

ThS Ngô Vi Hải - phẫu thuật viên, quyền trưởng khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 - cho biết chỉ cần chậm 2-3 phút, nếu chưa thiết lập kịp tuần hoàn ngoài cơ thể thì sẽ không còn cơ hội cứu sống và bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.

Sau tám giờ 
căng thẳng, truyền 6 lít máu và các chế phẩm máu khác, anh H. được thay toàn bộ gốc động mạch chủ (thay van động mạch chủ, cắm lại các động mạch vành bị lóc tách), đồng thời thay động mạch chủ lên và quai động mạch chủ.

Một tháng sau mổ, anh H. đã hồi phục 
hoàn toàn.

ThS Hải nhấn mạnh triệu chứng thường gặp nhất của bóc tách động mạch chủ là đau ngực dữ dội và đột ngột ngay từ khi bắt đầu. Một số đặc điểm của đau nghi ngờ do bóc tách động mạch chủ gồm đau như xé ngực, đau vượt quá sức chịu đựng, đau buốt nhói, đau như dao đâm.

Tuy nhiên không hiếm gặp các trường hợp bóc tách động mạch chủ mô tả cơn đau có tính chất như do thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim cấp. Hai bệnh lý này cần chẩn đoán phân biệt trước khi đưa ra phương pháp điều trị.

Lóc tách động mạch chủ type A cấp tính là một thảm họa thực sự của bệnh tim mạch. Khoảng 50% bệnh nhân tử vong trong 48 giờ đầu, 60% trong tuần đầu và tới 90% trong tháng đầu, khi đã vỡ gây ép tim cấp có tỉ lệ tử vong gần như 100%.

Để tránh tình trạng bóc tách động mạch chủ, ThS Ngô Vi Hải khuyên những người có yếu tố nguy cơ cao như: tuổi trên 60, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người phình động mạch chủ, cảm giác mạch đập gần rốn (trường hợp phình động mạch chủ bụng), đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng... thì nên thường xuyên thăm khám, siêu âm để phát hiện theo dõi và điều trị kịp thời, tránh để động mạch chủ phình bị bóc tách hoặc vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét