Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Tiến sĩ trẻ tuyên chiến bệnh ung thư

Tiến sĩ Phan Minh Liêm giao lưu với bệnh nhân ung thư Thủy Tiên - Ảnh: Việt Dũng
Tiến sĩ Phan Minh Liêm giao lưu với bệnh nhân ung thư Thủy Tiên - Ảnh: Việt Dũng

Đó là tiến sĩ Phan Minh Liêm (sinh năm 1983), đang công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Houston, Texas, Hoa Kỳ) - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (1996-2016), anh đã trở về Việt Nam và dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện.

Tỏa sáng trên đất Mỹ

Tiến sĩ Liêm sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đều là nhà giáo ở thành phố biển Nha Trang. Từ nhỏ Liêm đã ham thích tìm hiểu, đọc sách và làm các thí nghiệm khoa học đơn giản. Yêu khoa học và giấc mơ chinh phục khoa học cứ thế lớn dần trong Liêm.

Năm học lớp 9, Liêm đoạt giải nhì môn tiếng Pháp kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đồng thời nhận được học bổng của Tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp du học trong thời gian một năm. Khoảng thời gian tuy ngắn nhưng chính là quãng thời gian quan trọng nhen nhóm trong Liêm quyết định theo đuổi lĩnh vực công nghệ sinh học.

Và năm 2001, Liêm thi vào ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm thứ ba ĐH, Liêm được nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF - do Quốc hội Mỹ thành lập, nhằm tìm kiếm, đào tạo giúp đỡ nhân tài cho Việt Nam).

“Khi còn nhỏ, nhà tôi có bà nội và cô ruột bị bệnh ung thư gan. Trong quá trình học ĐH, tôi cũng tiếp tục tìm hiểu về căn bệnh hiểm nghèo này. Đây là căn bệnh để lại di chứng khủng khiếp và cả thế giới vẫn bó tay trong điều trị. Khi sang Mỹ học, các giáo sư, tiến sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ đều khuyên tôi nên đến Trung tâm ung thư MD Anderson, một trong các trung tâm ung thư hàng đầu của Mỹ, để theo đuổi đam mê nghiên cứu về ung thư. Tôi bước vào thế giới y sinh học và nghiên cứu ung thư từ đây, năm 2005” - tiến sĩ Liêm nói về cơ duyên gắn với căn bệnh ung thư như thế.

Được nghiên cứu tại trung tâm ung thư số 1 của Mỹ, năm 2012, sau hơn bảy năm học anh đã nhận được bằng tiến sĩ y khoa.

Đến thời điểm đó, Liêm (cùng các cộng sự) đã ghi dấu ấn bằng 15 công trình nghiên cứu về căn bệnh ung thư, được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ.

Từ năm 2012 đến nay, Liêm đã có thêm 9 công trình nghiên cứu, nâng tổng số công trình nghiên cứu lên con số 24, khi anh mới 33 tuổi. Đây quả là một thành tích đáng nể đối với một chàng trai trẻ người Việt.

Cùng với các công trình nghiên cứu là những giải thưởng danh giá cũng được Liêm chinh phục. Đó là giải thưởng của Quốc hội Mỹ và chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu, ung thư (2010-2013), danh hiệu Học giả của Tổ chức Sylvan Rodriguez / Cancer Answers (ĐH Texas và Trung tâm ung thư MD Anderson) dành cho các nhà khoa học nghiên cứu ung thư xuất sắc và có đóng góp hiệu quả cho cộng đồng.

Đặc biệt, anh là người Việt đầu tiên và duy nhất đến lúc này được bốn lần vinh danh, lưu tên lên bức tường danh dự của Trung tâm ung thư MD Anderson ở Houston, Texas.

“Với tôi, các giải thưởng đều quý, đều đáng trân trọng, nhưng chắc phần thưởng lớn nhất mà tôi mong muốn và đeo đuổi đến cùng chính là làm sao giúp những người bệnh ung thư khỏe mạnh” - Liêm bộc bạch.

“Tim tôi như thắt lại”

Đây chính là điều được tiến sĩ Phan Minh Liêm bộc bạch trong buổi tọa đàm với trên 100 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu các thời kỳ và cũng là lời hứa của anh với các bệnh nhân ung thư khi anh giao lưu với họ tối 21-3, tại lễ kỷ niệm 20 năm giải thưởng và trao giải thưởng cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015.

Liêm tâm sự: “Bà nội và cô mình đều bị căn bệnh này. Và mỗi ngày lại thấy có thêm những bệnh nhân phát hiện bị ung thư, hình ảnh những bệnh nhân ung thư luôn đau đớn, tuyệt vọng vì bệnh tật khiến tim tôi như thắt lại. Tôi tự hứa với mình sẽ nỗ lực hết sức để sớm tìm ra loại thuốc đặc trị, tiêu diệt tận gốc rễ các tế bào ung thư, chứ không thể chỉ “cắt lá, tỉa cành” như hiện nay. Tuy nhiên, công tác khoa học y khoa là cả một chặng đường dài, không chỉ là 8 hay 10 năm, tôi vẫn cần có thêm 10, hơn 10 năm nữa để thử nghiệm, theo dõi tính an toàn, hiệu quả của phương pháp mà tôi đã tìm ra. Đến lúc này, tôi tự tin cho rằng những nghiên cứu và phát hiện của tôi đang đúng hướng...”.

Tin vui với những người bị ung thư là trong một nghiên cứu gần đây, Liêm đã phát hiện một gen có khả năng ức chế hữu hiệu, như một chốt chặn quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gen này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng cũng như mất khả năng di căn.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm cũng cho biết dù mới ở những giai đoạn đầu nhưng trước những phát hiện, nghiên cứu rất khả quan của anh và các cộng sự, đã có rất nhiều tổ chức, tập đoàn, công ty dược hàng đầu thế giới quan tâm mong muốn được hợp tác với anh để sản xuất loại thuốc này, trong đó có Chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Tôi sẽ về Việt Nam”

Khi được hỏi liệu anh có như nhiều bạn trẻ khác sẽ không trở lại quê hương khi đã thành đạt ở xứ người, Liêm khẳng định: “Tôi sẽ trở về Việt Nam khi các nghiên cứu của mình thành công. Nước Mỹ rất tốt với những điều kiện tuyệt vời và họ đã cho tôi cơ hội học tập, nghiên cứu. Nhưng Việt Nam là quê hương tôi, dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản. Ở đây tôi còn cha mẹ, gia đình, bạn bè, tôi được đi học là để về giúp người Việt Nam. Học xong 
tôi sẽ về”.

Khi Liêm nói điều này, tôi nhớ đêm giao lưu giữa anh với gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015 Nguyễn Thủy Tiên (sáng lập và điều hành mạng lưới ung thư vú Việt Nam) cùng một số bệnh nhân ung thư khác, anh đã xúc động nói: “Căn bệnh này thật kinh khủng, mỗi ngày bật mạng lên là lại đón nhận những thông tin không lấy gì vui vẻ. Rồi những câu hỏi của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhắn, hỏi: Tôi còn sống được bao lâu? Có thuốc gì chữa được không? Tôi đã khóc vì không thể trả lời. Suốt ba thế kỷ nay, cả thế giới phải đối mặt với căn bệnh này.

Mỗi năm 18 triệu ca bệnh mới được phát hiện trên toàn cầu và cứ mỗi năm thế giới lại mất đi 8 triệu người vì ung thư. Việt Nam mình cũng là nước có tỉ lệ và nguy cơ ung thư thuộc hàng cao trên thế giới, mỗi năm có thêm 150.000 người bị phát hiện ung thư... Ở Mỹ, mỗi ngày tôi vẫn ngồi hàng giờ tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư, tôi cảm nhận được nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của họ. Tôi lấy đó làm động lực để nghiên cứu. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức để tìm ra phương pháp khả quan nhất, thời gian có thể kéo dài cả chục năm nhưng tôi tin chắc mình sẽ thành công”.

Cả khán phòng hàng trăm người nổ những tràng pháo tay không ngớt sau chia sẻ của Liêm. Và cá nhân tôi cũng tin tưởng Liêm bởi suốt từ năm 2012 đến nay, mỗi năm anh lại đứng ra vận động, tổ chức đưa các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson về Việt Nam để mở những khóa học ngắn hạn cho các bác sĩ ở những bệnh viện chuyên về ung thư của Việt Nam.

Anh cũng tích cực giúp đỡ một số trường đại học hay Viện công nghệ sinh học tiếp cận công nghệ mới trong phát hiện, phòng ngừa ung thư. Anh cho biết đang cùng Trung ương Đoàn bàn thảo để hợp tác trong công tác tuyên truyền phòng tránh ung thư 
tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm - Ảnh: V.Dũng
Tiến sĩ Phan Minh Liêm - Ảnh: V.Dũng

Trong bộ gen của mỗi tế bào luôn có nhiều gen kháng ung thư. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về các gen này.

Trong một lần nuôi cấy tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, tôi phát hiện thấy tế bào ung thư tăng cường hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng mạnh mẽ để tạo ra các tế bào mới khi có một đột biến quan trọng về di truyền xảy ra.

Sự “đột biến” ở đây như cái chốt chặn và nếu ta khống chế được nó, chặn được nó thì nó sẽ không còn nguồn năng lượng để phát triển. Và với nghiên cứu này, chúng tôi chỉ cần 48-96 tiếng đồng hồ là sẽ tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư đó. Và đặc biệt, nghiên cứu này của tôi rất hiệu quả đối với những ca bệnh nặng. Chúng tôi hi vọng rằng các kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần giúp phát triển các liệu pháp mới tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.

TS PHAM MINH LIÊM

ĐỨC BÌNH

Ra đời nhà máy sản xuất dung dịch lọc thận nhân tạo

TTO - Ngày 26-3, nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu được đầu tư 25 triệu USD, của Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động tại khu E, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa.

Nhà máy sản xuất dung dịch dùng để lọc thận của Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam vừa đi vào hoạt động tại KCN Lễ Môn - Ảnh: Hà Đồng

Nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu dùng để lọc thận nhân tạo.

Đại diện công ty trên cho biết, từ trước đến nay tại các bệnh viện trong nước phải sử dụng dung dịch lọc thận nhập khẩu, nên giá thành chạy thận nhân tạo khá cao, gây khó khăn cho người bệnh nghèo tiếp cận với dịch vụ y tế này.

Việc Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dung dịch dùng để lọc thận tại Khu công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đi vào hoạt động, với công suất giai đoạn I là 20.000 lít/ngày (sẽ nâng lên 40.000 lít/ngày thời gian tới) sẽ giúp các bệnh viện, bệnh nhân chạy thận sử dụng sản phẩm trong nước, chất lượng quốc tế, giá thành hợp lý.

HÀ ĐỒNG

Bạc Liêu 
kịp khống chế dịch quai bị

Ngay khi nhận được thông tin, ngành y tế dự phòng đã phun hóa chất và hướng dẫn nhà trường, phụ huynh các biện pháp chăm sóc để tránh lây lan. Tuy nhiên, thực tế chỉ có vài trường hợp trong số đó phải nhập viện, dự kiến đầu tuần sau ngành y tế sẽ tiếp tục làm việc với trường để xử lý trường hợp này.

Ông Mai Chí Tính - chủ tịch UBND thị xã Giá Rai - cho biết tổng số học sinh mắc bệnh quai bị tại Trường Phong Tân là 29 trường hợp, trong đó có 26 trường hợp đã khỏi bệnh và đi học bình thường, 3 trường hợp còn lại cũng đã khỏi bệnh nhưng chưa đi học trở lại. Theo ông Tính, đây là dịch bệnh nhưng chỉ xảy ra tại điểm trường này và đã được khống chế kịp thời.

CHÍ QUỐC

Yoga trong lễ Phục Sinh năm nay tại Nhà Trắng

Mọi người tham dự Ngày Yoga quốc tế ở Rajpath - Ảnh: PTI
Mọi người tham dự Ngày Yoga quốc tế ở Rajpath - Ảnh: PTI

Theo Huffinton Post, “Vườn Yoga” là một trong 10 khu vực khác nhau đã được thiết kế dành cho một trong những sự kiện lễ hội thường niên lớn nhất trong năm của Nhà Trắng.

Năm nay, khoảng 35.000 vé đã được phát đi mời mọi người tới tham dự các sự kiện lễ hội được tổ chức tại các khu vực xung quanh Nhà Trắng.

Ngày 25-3, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch chương trình toàn diện, danh sách các đội tham dự cuộc đua lăn trứng Phục sinh trên sân cỏ Nhà Trắng (White House Easter Egg Roll), một phong tục có tuổi đời trên 400 năm.

Để tôn vinh cuộc đua lăn trứng Phục Sinh cuối cùng được tổ chức trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama, chủ đề lễ hội năm nay là “Chúng ta cùng chúc mừng”.

Sự kiện sẽ bao gồm các chương trình nhạc sống, các sân thi đấu thể thao, các khu vực nấu ăn, kể chuyện và tất nhiên là tổ chức cuộc thi lăn trứng Phục Sinh.

Nhằm ủng hộ sáng kiến Chúng ta cùng vận động của đệ nhất phu nhân Michelle Obama, chương trình sự kiện năm nay sẽ có thêm hoạt động White House Fun Run lần đầu tiên được tổ chức.

Theo đó phu nhân Michelle Obama sẽ cùng 250 em nhỏ khác cùng chạy một quãng đường ngắn để khuyến khích nếp sống tích cực và khỏe mạnh ở trẻ nhỏ.

Khách mời đặc biệt của chương trình tổ chức Phục Sinh năm nay tại Nhà Trắng là nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Mỹ Idina Menzel. Menzel sẽ hát bài quốc ca đồng thời biểu diễn trên sân khấu Rock 'n' Egg Roll. 

D. KIM THOA

Uganda phạt tù cha mẹ không cho con tiêm vắc xin

Bộ trưởng Bộ y tế Uganda ước tính khoảng 3% trẻ em ở Uganda chưa được tiêm phòng vắc xin - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Bộ y tế Uganda ước tính khoảng 3% trẻ em ở Uganda chưa được tiêm phòng vắc xin - Ảnh: AFP

Theo BBC, trẻ cũng cần phải có thẻ chứng nhận tiêm chủng mới được phép tới trường.

Theo bộ trưởng y tế Uganda, bà Sarah Achieng Opendi, luật mới nhằm giúp chính phủ Uganda đạt được mục tiêu chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Bà Sarah cho biết một số bậc phụ huynh và các thành viên của một giáo phái đã không chịu để con họ tiêm vắc xin phòng bệnh.

Chương trình tiêm chủng vắc xin của chính phủ Uganda nhằm phòng ngừa các bệnh đe dọa tính mạng nhiều trẻ em như bại liệt, viêm màng não.

Năm 2015 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cứ 1.000 trẻ em ở Uganda lại có 70 trẻ tử vong trước 5 tuổi.

Bà Opendi cho biết khoảng 3% trẻ em ở Uganda chưa được tiêm phòng vắc xin. Trong quá trình triển khai chương trình,người thấy một số trẻ em bị giấu trong các khu nhà ổ chuột vì cha mẹ chúng không muốn con mình phải tiêm phòng.

Trước đó một số lãnh đạo tôn giáo đã bị bắt nhưng không thể buộc tội vì thiếu các điều luật cụ thể.

Mặc dù tổng thống Museveni đã ký thực thi từ 10-3 nhưng luật này chỉ vừa được phổ biến tới toàn dân ở Uganda.

D. KIM THOA

Phát động chạy vì sức khỏe

Hơn 500 người tham gia chạy vì sức khỏe toàn dân - Ảnh: Hoàng Trung
Hơn 500 người tham gia chạy vì sức khỏe toàn dân - Ảnh: Hoàng Trung

Theo UBND huyện Phú Quốc, sự kiện này nhằm khuyến khích mọi người tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị và mọi người xây dựng thói quen hoạt động, vận động hợp lý, nhằm nâng cao sức khỏe vì mục tiêu “Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, “Dân cường thì nước thịnh”.

Ngay sau lễ phát động, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và học sinh đã chạy một quãng đường dài hơn 1 km trong khu vực nội ô thị trấn Dương Đông.

HOÀNG TRUNG

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Cấu kết độc quyền đẩy giá thuốc lên cao

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng những tầng nấc trung gian đang đẩy giá thuốc lên cao - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng những tầng nấc trung gian đang đẩy giá thuốc lên cao - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói như vậy về tình trạng đấu thầu thuốc hiện nay khi thảo luận dự án Luật dược (sửa đổi) sáng 25-3 tại Quốc hội.

2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc

“Mọi sự trong đấu thầu thuốc đều đúng quy trình, đúng pháp luật cả, chỉ có tiền là Nhà nước mất, nhân dân mất!” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói. Phân tích điều vô lý này, ông nói Luật đấu thầu hiện nay quy định khi có kết quả đấu thầu thì phải chấp nhận, bất kể là sai hay đúng, giá cao hay giá thấp. Ông nói khi kiểm tra thì trong Luật đấu thầu không có điều nào quy định là sau khi đấu thầu xong mà kết quả khác nhau trong cùng một mặt hàng thì phải xử lý thế nào. “Mất tiền mà phải đầu hàng thì vô lý quá!” - ông Tiên nói.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu tiếp một sự vô lý: Trong luật không có quy định nào về sự hạn chế, độc quyền nhập khẩu thuốc cả nhưng trên thực tế lại có. Việc độc quyền nhập khẩu thuốc và để thuốc qua nhiều tầng nấc trung gian đã làm giá thuốc bị đẩy lên.

“Tôi lấy ví dụ thuốc điều trị viêm gan C, giá nhập khẩu ở các nhà thuốc lớn chỉ khoảng 200 USD (4,5 triệu đồng)/hộp, trong khi người dân đang phải mua với giá 14 triệu đồng/hộp. Thật là vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy. Đề nghị phải rà soát như thế nào đó trong quy định để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc dẫn đến khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc” - ông Cương nói.

Là một doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng những tầng nấc trung gian chằng chịt đang làm cho người dân è cổ gánh giá thuốc cao. Ông phân tích hiện nay cả nước có tới hơn 40.000 điểm bán lẻ, hơn 100 doanh nghiệp nhập khẩu thuốc và đặc biệt là hơn 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc...

Những doanh nghiệp này chia ra thứ bậc, tạo thành hàng chục khâu trung gian đã đẩy giá viên thuốc đi lòng vòng, đẩy giá thuốc lên cao.

Trị nạn kê đơn 
ăn hoa hồng

Trong giờ giải lao, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ: “Chúng ta hãy nhìn bệnh viện tư nhân để hỏi vì sao họ luôn tìm được thuốc đúng giá, còn bệnh viện công thì vướng cơ chế mua thuốc đắt?”.

Nguồn gốc của giá thuốc cao, theo bà Lan, là từ cấu kết độc quyền, thứ hai là tầng nấc trung gian, qua hàng chục công ty và thứ ba là tiêu cực trong kê đơn, một số bác sĩ nhận chiết khấu hoa hồng cao khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Với những “gốc rễ” này, bà Lan đề nghị Bộ Tài chính phải kiểm tra giá nhập khẩu thực tế, làm thế nào tính được giá hợp lý, còn doanh nghiệp kê khai thì rất khó lòng có giá thuốc đúng giá. Với các tầng nấc trung gian, bà Lan đề nghị quy định rõ một loại thuốc khi nhập khẩu chỉ được qua tối đa bao nhiêu trung gian, còn lại cứ để thị trường điều tiết.

Bà Lan cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không chỉ thể hiện vai trò kiểm soát mà còn phải thể hiện tư thế trong việc thương lượng với các công ty dược để bảo đảm ổn định giá bán buôn bán lẻ, ổn định thị trường trong suốt năm, tránh làm cho giá thuốc “nhảy múa”.

Việc kê đơn ăn hoa hồng, thuộc phạm trù đạo đức, bà Lan cho rằng khó lòng nói về y đức một cách chung chung. Ngay tại TP.HCM, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện đặt ra phác đồ điều trị chuẩn để tránh lạm dụng thuốc trong mỗi đơn thuốc.

Nếu là thuốc đắt tiền hoặc biệt dược phải được đưa ra hội đồng thuốc và điều trị phải hội chẩn. “Điều này đi vào nề nếp sẽ góp phần hợp lý dần trong quá trình kê đơn” - bà Lan khẳng định.

Nên cấp thẻ hành nghề suốt đời

Đây là đề nghị của tất cả đại biểu khi phát biểu về vấn đề cấp thẻ hành nghề dược. Các đại biểu cho rằng việc cấp thẻ một lần (thay vì năm năm đổi thẻ) sẽ tránh việc xin cho, hạn chế tiêu cực.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị thêm nên giao cho Chính phủ cấp thẻ hành nghề riêng cho những ai có nhu cầu làm việc cho quốc tế, vì hiện nay chứng chỉ hành nghề dược của VN, ngay trong các nước Asean cũng chưa nước nào công nhận.

Bộ Công thương có quyền điều tra chống bán phá giá

Chiều 25-3, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Quy định mới được chú ý trong dự luật này là về thuế phòng vệ thương mại.

Theo đó, dự luật quy định đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào VN, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường VN.

Các biện pháp này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do Bộ Công thương tiến hành khi có dấu hiệu về thiệt hại đối với thị trường trong nước do hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài. Việc quyết định mức thuế suất sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Công thương.

VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)

​Điều khiển xe lăn không dùng tay

Ogo được đánh giá cao nhờ vào tính linh hoạt, thân thiện với môi trường và kích thích người khuyết tật vận động cơ thể nhiều hơn, tăng cường sức mạnh cho cơ bắp
Ogo được đánh giá cao nhờ vào tính linh hoạt, thân thiện với môi trường và kích thích người khuyết tật vận động cơ thể nhiều hơn, tăng cường sức mạnh cho cơ bắp

Nhà thiết kế Kevin Halsall đã được truyền cảm hứng từ sau khi ông chứng kiến những khó khăn của một người bạn thân trong việc dùng tay để di chuyển xe lăn.

Sau nhiều thử nghiệm khác nhau, Kevin đã sáng tạo ra Ogo gần như là một chiếc ghế ngồi có thể di chuyển được.

Khi người sử dụng nghiêng người về phía trước, chiếc xe lăn sẽ tự động đi về phía trước và ngược lại. Tương tự, khi nghiêng người qua trái hoặc phải, chiếc xe sẽ chuyển hướng theo cơ thể con người.

Đặc biệt, Ogo sẵn sang di chuyển một cách linh hoạt trên các bậc thang hoặc lối đi dành riêng cho người dùng xe lăn.

Bên cạnh tính linh hoạt và thân thiện với môi trường, Ogo được các nhà vật lý trị liệu và phục hồi chức năng đánh giá cao nhờ việc kích thích nhiều hơn những chuyển động của cơ thể, tăng sức mạnh của cơ bắp. Cơ thể con người trở thành một phần của chiếc xe.

Ngoài ra, Ogo còn tích hợp một nút điều khiển hướng đi ở ngón tay cái bên trái và bên phải.

Theo Kevin, Ogo là một công cụ di chuyển hữu hiệu cho những người ở nhiều mức độ khuyết tật khác nhau cho đến liệt tứ chi.

Dự kiến, Ogo sẽ được bán ra thị trường vào tháng 9-2017.

 
MINH HUYỀN

Gia đình nữ sinh bị cưa chân đòi bệnh viện bồi thường

Em Lê Thị Hà Vi hiện đã được chuyển tới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM để tiếp tục điều trị, phục hồi chức năng - Ảnh: Thùy Trang
Em Lê Thị Hà Vi hiện đã được chuyển tới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để tiếp tục điều trị, phục hồi chức năng - Ảnh: Thùy Trang

Chiều 25-3, chị Lê Thị Thùy Trang - trú xã Ea B’Hốk, Cư Kuin, Đắk Lắk, chị gái của Hà Vi - nữ sinh bị cưa chân cho biết như trên.

Theo chị Trang, do sự tắc trách của kíp trực tại khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Cư Kuin khiến em gái chị bị cưa mất gần hết chân phải, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý và việc học hành, tương lai. 

Chị Trang cho biết thêm, sau sự cố của Hà Vi, nhiều cơ quan, đơn vị đã đến thăm, động viên và chia sẻ với em và gia đình. Có ba trường học hứa sẽ tài trợ học bổng, tạo công ăn việc làm cho Hà Vi sau này.

Tuy nhiên, hiện tại gia đình vẫn tập trung vào quá trình phục hồi sức khỏe của Vi, chuyện học hành, tương lai sẽ tính sau, khi Vi khỏe hơn.

"Hiện em Vi đã được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM để tiếp tục điều trị, phục hồi chức năng, lắp chân giả. Sức khỏe của em có khá hơn, tinh thần phấn chấn hơn.

Tuy nhiên việc chữa trị tới đây sẽ khiến em chịu nhiều đau đớn, tốn kém cho gia đình” - chị Trang lo lắng.

Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viện Cư Kuin cho biết vẫn chưa nhận được đơn của gia đình Hà Vi. Tuy nhiên bác sĩ Tâm cho rằng việc gia đình em Vi yêu cầu bệnh viện, ngành y tế phải bồi thường cũng là “việc bình thường vì thiệt hại cho cháu Vi là có thật”.

Hiện Thanh tra Sở Y tế và các ngành chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh sai sót nằm ở khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai.

Trong một diễn biến khác, một lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin - xác nhận đã mời chị Thùy Trang lên để làm rõ nội dung đơn tố cáo của gia đình với các bác sĩ Bệnh viện huyện Cư Kuin.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, ngày 6-3, sau khi tan học, Vi bị tai nạn giao thông và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày nên cho bó bột. Sau đó, Vi liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ không đồng ý tháo bột kiểm tra.

Thấy tình hình bệnh nhân không tiến triển tốt nên sau đó, ngày 10-3, khi phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo tháo bột ra. Lúc này, chân Vi đã sưng to.

Gia đình em xin chuyển viện nhưng không được đồng ý. Ngày 11-3, gia đình chuyển Vi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thì được chẩn đoán đã bị hoại tử và chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây Vi đã bị cắt gần hết chân phải.

TRUNG TÂN

​Gần 15.000 mặt hàng thuốc kê khai giá chưa hợp lý

Theo Bảo hiểm xã hội VN, đầu tháng 10-2015 vừa qua Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có thông báo có 14.889 mặt hàng thuốc có giá kê khai, kê khai lại chưa hợp lý. Trong đó có 8.407 thuốc nhập khẩu, 6.482 thuốc sản xuất trong nước.

Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng thuốc giải trình, điều chỉnh giá kê khai theo qui định về quản lý giá thuốc.

Từ thực tế này, tại công văn nói trên, Bảo hiểm xã hội VN yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương và bộ ngành, trung tâm thanh toán đa tuyến chỉ thanh toán tiền thuốc theo giá thuốc mua vào của cơ sở y tế theo qui định về đấu thầu thuốc. Giá thuốc mua vào của cơ sở y tế không được vượt quá giá thuốc kê khai, kê khai lại còn hiệu lực tại thời điểm mua thuốc…

Trường hợp các thuốc đã được thanh toán BHYT cho cơ sở y tế nhưng qua kiểm tra phát hiện có giá cao hơn giá kê khai sẽ thực hiện thu hồi chi phí chênh lệch đã thanh toán và thông báo cho sở y tế xem xét xử lý theo qui định (phạt tiền từ 20-30 triệu đồng).

Đặc biệt, với các thuốc có trong kết quả trúng thầu đang áp dụng để mua thuốc phục vụ điều trị tại các cơ sở y tế nếu doanh nghiệp cung ứng thuốc không hoàn thiện thủ tục và đề nghị Cục Quản lý Dược công bố giá kê khai, kê khai lại theo qui định, kể từ ngày 1-4 cơ quan bảo hiểm xã hội tạm dừng thanh toán chi phí thuốc…

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

GS.BS McKinnon dự định xin chứng chỉ hành nghề ở VN

Trong chuyến quay lại Việt Nam lần này, bác sĩ McKinnon cho biết ông có kế hoạch chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến nhất của Mỹ về mổ khối u, đặc biệt những ca phức tạp hoặc ở mặt.

Ngoài ra, ông cũng thăm khám miễn phí cho 15 bệnh nhân bị khối u tại Hà Nội và TP.HCM từng được ông phẫu thuật trong các lần đến Việt Nam trước đây, hoặc sẽ được ông mổ trong thời gian sắp tới.

Để thuận tiện hơn trong việc khám, chữa trị cho các bệnh nhân, bác sĩ McKinnon dự định xin chứng chỉ hành nghề chính thức tại Việt Nam.

Từ ngày 27-3, ông sẽ rời TP.HCM để làm việc với các bác sĩ và thăm khám bệnh nhân tại Hà Nội. Bác sĩ McKinnon cho biết sẽ quay lại Việt Nam vào tháng 11 năm nay để tiếp tục chuyển giao kỹ thuật và điều trị các ca bị khối u khác.

Đây là lần thứ 7 giáo sư, bác sĩ McKay McKinnon đến Việt Nam. Kể từ tháng 11-2011 đến nay, ông đã mổ cho nhiều bệnh nhân bị khối u, trong đó có anh Nguyễn Duy Hải (Lâm Đồng) với khối u nặng gần 90kg.

BÌNH MINH – NGỌC ĐÔNG

Chị em hoa mắt với quảng cáo thải độc cơ thể 

Minh họa: LAP
Minh họa: LAP

“Tôi cho là việc thải độc - từ người ta đang dùng hiện nay - vốn là dịch vụ phục hồi chức năng, xông hơi, đó cũng là thải độc, nhưng người ta cứ dùng những từ ngữ mỹ miều để thu hút người dùng, người tiêu dùng nên lựa chọn và nên là người tiêu dùng thông thái khi sử dụng dịch vụ, chọn những dịch vụ đã được thẩm định về chuyên môn, được cấp phép hoạt động và cơ sở có uy tín để sử dụng dịch vụ

Ông Lương Ngọc Khuê (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

Để thu hút khách hàng, họ dùng những từ ngữ để quảng cáo như phương pháp thanh lọc thải loại được các độc tố tích tụ gây ung thư, đái tháo đường, viêm khớp, béo phì, đột quỵ...

Dùng nước tinh khiết và... tế bào gốc

Trưa 23-3, trong vai người cần thanh lọc cơ thể để giảm vòng eo, chúng tôi tìm đến một cơ sở thẩm mỹ ở Q.1, TP.HCM. Tiếp chúng tôi là một nhân viên nữ xinh đẹp.

Nhân viên này giới thiệu phương pháp thanh lọc cơ thể nơi đây đang thực hiện là dùng máy đưa nước tinh khiết vào cơ thể và đưa các tạp chất tích tụ trong đại tràng ra ngoài đều bằng đường hậu môn. Nước được đưa vào và đưa ra liên tục. Khách hàng sẽ nhìn thấy tạp chất đưa ra ngoài cơ thể.

Cơ sở cam kết sau một tháng sẽ giảm được 3-5 kg, số cân nặng giảm chỉ tập trung ở vòng bụng, vòng bụng sẽ giảm 5-10 cm. Liệu trình “detox thanh lọc” này có giá 45 triệu đồng nhưng hiện khuyến mãi nên giảm còn 32 triệu đồng.

Cơ sở này còn quảng cáo một dịch vụ trẻ hóa bằng thanh lọc kết hợp tế bào gốc, nhân viên ở đây cho biết cơ sở đang sử dụng loại “tế bào gốc Thụy Sỹ” để tăng cường sinh lực cho khách hàng, hoặc sử dụng tế bào gốc lấy từ máu tự thân hoặc tế bào gốc cuống rốn trẻ sơ sinh để thực hiện liệu trình làm đẹp, tẩy độc cho khách hàng.

Theo đó, họ lấy máu của bệnh nhân và ly tâm để lấy tế bào gốc, hoặc sử dụng tế bào gốc cuống rốn, sau đó dùng thiết bị đưa tế bào gốc vào sâu trong bề mặt da, hoặc thanh lọc cơ thể, hoặc thải độc gan.

Tuy nhiên, qua khảo sát các loại dịch vụ có sử dụng công nghệ tế bào gốc đã áp dụng ở VN, cho đến nay chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào liên quan đến “thải độc bằng tế bào gốc” được công bố.

Ngay cả việc làm đẹp bằng tế bào gốc (chỉ tính dịch vụ trên bề mặt da) thì ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cũng cho rằng hiện mới có một bệnh viện công ở Hà Nội công bố làm dịch vụ này, nhưng Bộ Y tế chưa phê duyệt quy trình.

Các spa, cơ sở thẩm mỹ quảng cáo dịch vụ này thì chất lượng dịch vụ càng mông lung vì chưa được cấp phép. Bộ Y tế có văn bản nói rõ chưa cho phép sử dụng công nghệ tế bào gốc cho mục đích làm đẹp da.

“Chúng tôi đang xây dựng quy định về sử dụng tế bào gốc trong y học. Còn nếu sử dụng để thải độc thì phải có căn cứ khoa học trước và sau khi áp dụng kỹ thuật hàm lượng độc tăng giảm thế nào? Việc giải độc cơ thể không thể tùy tiện, bởi thế nào được coi là cơ thể đang cần giải độc (chỉ tính trong những người sống trong cộng đồng, không tính người bị ngộ độc cấp tính) là chưa rõ ràng” - ông Khuê nói.

Thanh lọc bằng thực phẩm

Cách đây khoảng một năm, chị Thùy, 31 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội, đã thực hiện liệu trình thanh lọc cơ thể trong bốn ngày liên tục tại một trung tâm detox với giá 6 triệu đồng.

Chị Thùy kể sau ba ngày uống các loại nước trái cây, tập yoga, massage toàn thân..., chị giảm được 2kg và thấy người rất nhẹ nhõm.

Đặc biệt vào ngày cuối của liệu trình, chị đi tiêu ồ ạt rất nhiều “chất lạ” giống như hạt sạn, sỏi... được cho là “độc tố” từ gan. Cùng với đó, kết quả phân tích của chính trung tâm này khiến chị Thùy sững sờ vì theo đó những “độc tố” này gồm: sỏi, mỡ dạng hạt màu xanh và tế bào ung thư non!

Một trung tâm detox ở Q.Đống Đa, Hà Nội cũng quảng cáo việc detox theo phương pháp của Hoàng gia Thái Lan.

Theo nhân viên tại đây, khách hàng sẽ tuân thủ liệu trình nghỉ dưỡng kết hợp thanh lọc trong ba ngày liên tục tại trung tâm cùng với việc ăn theo thực đơn, ngủ đúng giờ và kết hợp với các biện pháp massage và yoga.

Nếu vướng mắc việc gia đình không thể theo liên tục thì có thể lấy thực đơn tại trung tâm và thanh lọc ở nhà trong hai ngày đầu, nhưng ngày cuối phải có mặt tại trung tâm để thải độc.

Cũng theo giới thiệu thì phương pháp thanh lọc này an toàn vì khách hàng có thể ăn, uống cháo gạo nước dứa ép, nước táo, nước me từ vườn cây Hoàng gia Thái Lan được bác sĩ Thái Lan thu hái, đảm bảo tự nhiên, an toàn!

Vào ngày cuối, khách hàng sẽ uống dầu ôliu để thải bỏ độc tố. Tiếp theo đó, những “độc tố” này được trung tâm phân tích đặc điểm, tính chất để đưa ra chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp với từng khách hàng.

Cách đơn giản giữ cơ thể "sạch"

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết trong y khoa, cách cho nước vào và đưa nước ra như trên gọi là “thụt tháo”.

Các bác sĩ chỉ “thụt tháo” cho những người hay bị táo bón cần được điều trị gấp, hoặc những người bị nghẹt ruột do phân cứng. Ngoài ra, những người cần làm cho ruột sạch để nội soi ruột tìm bệnh hoặc làm sạch ruột trước phẫu thuật cũng cần thực hiện thao tác này.

Khi được bác sĩ chỉ định kỹ thuật thụt tháo, y tá, điều dưỡng sẽ thực hiện kỹ thuật này. Loại nước được đưa vào cơ thể trong những trường hợp này phải là nước muối sinh lý, còn nếu là những loại nước khác sẽ làm cho cơ thể dễ bị rối loạn chất điện giải, rối loạn nhịp tim, phù não, co giật, vọp bẻ, cứng tay chân, co giật...

Khi được thụt tháo, cơ thể bị mất nước nên sẽ giảm cân liền nhưng nếu ăn uống trở lại thì cân nặng sẽ như lúc trước khi thụt tháo. Do vậy, với những người bình thường không nên thanh lọc cơ thể bằng cách thụt tháo.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - khẳng định bệnh viện khắp thế giới đều dùng phương pháp thải độc tương tự nhau.

“Việc thải độc như người dân đang truyền nhau là uống nước quả, nước mía thì trong những loại nước quả ấy có vitamin, có tác dụng chống oxy hóa, nhưng cách dùng các loại quả ấy có lợi nhất thì lại là ăn đều đặn, bổ sung vào chế độ ăn thông thường chứ không phải dùng cấp tập trong một thời gian dài rồi thôi” - bác sĩ Nguyên cho biết.

Theo bác sĩ Lưu Phương, cơ thể được thải độc qua các đường hô hấp, da bài tiết mồ hôi, tiêu hóa, đường tiểu. Do vậy, cách đơn giản nhất để thanh lọc cơ thể là thải độc qua những đường này. Mỗi ngày uống khoảng 2-3 lít nước lọc để tưới cho thận, giúp thận làm việc tốt hơn.

Uống nhiều nước còn tránh bị táo bón. Bên cạnh đó, cần ăn nhiều rau và trái cây. Những thực phẩm này có nhiều chất xơ sẽ làm lưu thông ruột tốt hơn, chống táo bón, thải chất độc ra ngoài cơ thể. Mỗi ngày dành khoảng 15 phút hít thật sâu, thở ra thật mạnh đều đặn từng nhịp một (đây là cách thanh lọc cơ thể qua đường hô hấp) và tập thể dục mỗi ngày cho đến khi đổ mồ hôi.

L.ANH - Q.LIÊN - T.DƯƠNG

2014 và  2015, Bộ Y tế "chỉ" cho nhập hơn 9 tấn salbutamol! 

Một góc sản xuất thức ăn bổ sung cho heo, gia cầm của một Công ty - Ảnh: L.TH.H.
Một góc sản xuất thức ăn bổ sung cho heo, gia cầm của một Công ty - Ảnh: L.TH.H.

Bộ Y tế cũng cho rằng công bố của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng “chỉ 10 kg trong đó được sử dụng đúng mục đích là không có cơ sở”.

Tuy nhiên, trong thông báo này Bộ Y tế không chỉ ra có bao nhiêu trong số gần 9.100 kg salbutamol được nhập trong 2 năm 2014-2015 được sử dụng vào mục đích làm thuốc chữa hen phế quản, viêm phế quản, giãn phế nang…, đúng với mục đích nhập khẩu.

Cũng theo Bộ Y tế, tháng 9-2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi, trong đó có salbutamol, nhưng họ không được góp ý cũng cũng không nhận được khi ban hành để phối hợp quản lý.

Tháng 11-2015, Bộ Y tế đã có quyết định tạm ngưng nhập salbutamol và tháng 12-2015 phối hợp C49 Bộ Công an kiểm tra toàn diện các công ty được nhập salbutamol. Kết quả phát hiện 4 công ty được nhập đã bán salbutamol cho công ty không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc như quy định, chuyển hồ sơ sang C49 với các vi phạm tại Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông, Công ty cổ phần hóa dược Minh Hải và Công ty TNHH hóa dược Minh Anh.

Bộ Y tế cũng cho biết C49 vừa có văn bản đã trả lời các vi phạm kể trên chưa đủ điều kiện xử lý hình sự, để Cục Quản lý Dược xử lý hành chính và Cục Quản lý Dược đã “xử phạt hành chính ở mức cao nhất” với các công ty này.

Hiện Bộ Y tế đã đưa các nguyên liệu làm thuốc thuộc dạng bị cấm ở các lĩnh vực khác (như salbutamol trong nông nghiệp) vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, dự kiến dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 3 này.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, salbutamol đã được bán sang tay từ công ty dược cho các đầu nậu từ lâu nay, từ công ty dược giá khoảng 2 triệu đồng/kg, khi được bán sang tay giá đã được đẩy lên 6-7 triệu đồng/kg và hiện Bộ Y tế chưa thể thống kê được thực tế số nguyên liệu salbutamol đã được sử dụng làm thuốc, số đã bán trôi nổi cũng như các thuốc có thành phần chất tạo nạc như salbutamol đã được nhập vào VN.

Mang u xơ tử cung hơn chục kg

TTO - Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết các bác sĩ ở bệnh viện này vừa điều trị thành công cho bà N.T.C, 51 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM có u xơ tử cung khổng lồ. 

Bà C. đã có 3 con và mãn kinh 3 năm. Khoảng hơn một năm nay, bệnh nhân thấy bụng dưới to dần nhưng không ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt nên không điều trị. Gần đây, bà thấy bụng to nhiều hơn kèm theo mệt nên đã đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám.

Trong lúc khám, các bác sĩ đã phát hiện một khối u rất to, giống như thai khoảng 9 tháng chiếm gần hết ổ bụng. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến u xơ tử cung. Hai chân bệnh nhân cũng bị phù do khối u bụng quá to làm cản trở lưu thông máu.

Kết quả chụp cắt lớp trước mổ xác định có khối u với kích thước 29x25x20cm, nghi có liên quan đến tử cung, chiếm gần hết bụng, đẩy lệch các tạng khác. Ngày 23-3, ê kíp mổ đã cắt bỏ thành công khối u nặng 12,5kg. Sau mổ sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Đây là trường hợp u xơ tử cung lớn nhất được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong hơn 20 năm qua.                                                                                             

THÙY DƯƠNG

​Rút số đăng ký lưu hành 2 loại tân dược

Đó là thuốc Geflurfen, số đăng ký VN-19026-15 và thuốc Genotin, số đăng ký VN-19027-15, do Công ty Genome Pharmaceuticals sản xuất, Công ty Caraway Pharmaceuticals đăng ký. Theo Cục Quản lý Dược, lý do là Công ty này đã cung cấp thông tin và bằng chứng sai sót trong hồ sơ đăng ký thuốc cho Cục Quản lý Dược.

Cũng trong quyết định này, Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc tất cả các lô thuốc Gerflurfen và Genotin, đồng thời ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc mới và ngừng cấp phép cho các thuốc đã nộp hồ sơ đăng ký của Công ty Genome trong vòng 24 tháng. Với Công ty Caraway, các biện pháp này áp dụng trong vòng 12 tháng.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN đối với Công ty Caraway.

Không lơ là với virut Zika 

Kiểm dịch viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra thân nhiệt du khách nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Ảnh: THẢO LY
Kiểm dịch viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra thân nhiệt du khách nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Ảnh: THẢO LY

Ngày 24-3, ông Nguyễn Đắc Tài – phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho biết trước thông tin một du khách Úc vừa đi du lịch tại Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), đảo Cá Voi và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP.HCM dương tính với virut Zika (được cho là liên quan đến bệnh đầu nhỏ) khi trở về nước, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tăng cường giám sát cộng đồng.

"Bộ Y tế chỉ đạo Khánh Hòa nâng mức độ cảnh báo dịch bệnh do virut Zika lên mức đã có người mắc, nên trước mắt tại một số bệnh viện lớn của tỉnh tăng cường giám sát đối với các ca mắc bệnh sốt, sốt xuất huyết nhưng điều trị ngoại trú. Đồng thời tổ chức lấy mẫu máu ở cộng đồng dân cư nơi khách nước ngoài thường xuyên tiếp xúc như ở các P.Lộc Thọ, P.Xương Huân (TP Nha Trang) để xét nghiệm” – ông Tài cho hay.

Cùng ngày, bác sĩ Bùi Xuân Minh – giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa – cho biết đã triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh, yêu cầu lấy mẫu máu của tất cả các ca bệnh nghi sốt xuất huyết dạng nhẹ ở mọi lứa tuổi đến khám ngoại trú ở khoa nhiễm bệnh viện để gởi về Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm virut Zika.

Theo TS Viên Quang Mai – viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, đến ngày 24-3, VN vẫn chưa phát hiện ra ca bệnh do virut Zika nào, nhưng vì có du khách đến VN rồi trở về mà mắc bệnh thì coi như đã có người mắc để chủ động phòng chống tốt hơn.

Trong khi đó, BS Nguyễn Hoa Hội – giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Sở Y tế Khánh Hòa – cho biết hơn một tháng qua, toàn bộ nhân lực của trung tâm đã tập trung vào cửa khẩu hàng không quốc tế Cam Ranh và sáu cửa khẩu hàng hải quốc tế trên địa bàn Khánh Hòa để giám sát thân nhiệt và tình trạng sức khỏe của du khách đến và đi.

“Khó khăn là bệnh do virut Zika gây ra có thời gian ủ bệnh trong 12 ngày, trong khoảng này chỉ 20% là có các biểu hiện đặc trưng như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn và nôn; 80% còn lại thì triệu chứng không rõ ràng. Do vậy, có thể khi du khách đến rồi đi, không có biểu hiện gì lạ về sức khỏe nên không phát hiện được” – ông Hội nói.

* Cùng ngày, bác sĩ Đồng Sỹ Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Dược Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Virus Zika lây nhiễm vào cơ thể người có liên quan đến loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên những năm gần đây, loài muỗi này không phát triển ở Đà Lạt. Do đó xác suất du khách Úc nhiễm virus Zika khi đến Đà Lạt là rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp tầm soát dịch”.

D.THANH - M.VINH

Nhuộm đỏ ruốc bằng hóa chất đã có từ lâu

Ông Tuấn Lương Công Tuấn - phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cung cấp mẫu hóa chất đã thu từ người dân cho phóng viên xem - Ảnh: K.THỦY
Ông Tuấn Lương Công Tuấn - phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cung cấp mẫu hóa chất đã thu từ người dân cho phóng viên xem - Ảnh: K.THỦY

Trước đó, ngày 23-3, thông tin này gây “sốt” và lan truyền rất nhanh trên mạng Facebook.

“Việc này đã có từ lâu”

Khu phố An Thạnh (còn gọi là Gành Đỏ, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu) là nơi khai thác ruốc và nhuộm ruốc nhiều nhất, nhưng đến sáng 24-3, không còn cảnh phơi ruốc dọc đường thường gặp.

“Thời điểm này ruốc không còn xuất hiện ở gần bờ biển nên bà con ở đây không khai thác được ruốc tươi, còn ruốc khô thì đã được đầu nậu vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ hết rồi” - một người dân địa phương cho biết.

Theo những người dân ở đây, con ruốc khi vừa bắt lên từ biển có màu trắng và hồng nhạt, vì vậy các thương lái sau khi mua ruốc sẽ nhộm để con ruốc có màu đỏ bóng đẹp hơn để dễ bán.

Sau khi được nhộm, ruốc đem phơi khô, đóng gói và chuyển đi các tỉnh, thành phố khác để bán, chứ không bán tại thị trường trong tỉnh.

"Người dân ở đây không bao giờ ăn ruốc có nhuộm màu, vì không biết hóa chất đó độc hại gì đối với cơ thể không. Mà không riêng gì ruốc, các loại mắm bán ở đây cũng nhuộm để có màu đỏ đẹp, dễ bán"- bà Lê Thị Nga ở Gành Đỏ tiết lộ.

Ông Nguyễn Thành, chủ tịch UBND phường Xuân Đài, xác nhận: "Chúng tôi gặp gỡ người dân và họ cho biết việc sử dụng chất này trong bảo quản và chế biển hải sản từ lâu, nhưng đến nay phường mới phát hiện”.

“Trước mắt chưa biết chất này có độc hại hay không, nhưng đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu làng nghề chế biến hải sản có từ lâu đời. Đây là việc làm không thể chấp nhận được"- ông Thành nói.

Hóa chất làm màu ruốc… bắt mắt

Phóng viên TTO đóng vai người đi mua ruốc đến các tiệm tạp hóa dọc QL1, đoạn qua phường Xuân Đài, hỏi mua loại chất nhộm ruốc. Một chủ tiệm tạp hóa chỉ vào một con hẻm ở Gành Đỏ hướng dẫn đến nhà bà Trang chuyên cung cấp hóa chất nhộm ruốc.

Bao hóa chất mà phóng viên TTO mua tại nhà bà Trang - Ảnh: K.THỦY
Bao hóa chất mà phóng viên TTO mua tại nhà bà Trang - Ảnh: K.THỦY

Tại nhà bà Trang, sau khi nghe nói ở TP Tuy Hòa ra muốn mua ruốc về bán lại kiếm lời và muốn mua chất nhộm ruốc, bà Trang lấy ra từ trong tủ một bao chứa bột màu đỏ chừng 100g không nhãn mác, không mùi và nói có giá 20.000 đồng.

Bà Trang tự xưng là người chuyên cung cấp chất này cho các thương lái mua ruốc ở phường Xuân Đài.

"Chú cứ mang bao hóa chất này về pha với khoảng 30 lít nước biển và nhuộm 100kg ruốc tươi, đảm bảo ruốc sẽ có màu đỏ đẹp, rất bắt mắt"- bà Trang hướng dẫn.

Bà Trang cũng cho biết hóa chất mà bà bán được lấy từ một đại lý ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. “Cứ mang về dùng, khi nào cần thì ra mua tiếp, ở đây quanh năm luôn trữ loại hóa chất này để cung cấp cho những người có nhu cầu” - bà Trang cam kết.

Gởi mẫu đi xét nghiệm

Trước thông tin ruốc Sông Cầu bị nhuộm gây bức xúc cho cộng đồng, chiều 24-3, ông Lương Công Tuấn- phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu đã có buổi làm việc với UBND phường Xuân Đài và các ngành liên quan tiến hành kiểm tra loại hóa chất mà người dân sử dụng.

Ông Tuấn cho biết đã chỉ đạo ngành y tế lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để xác định đó là chất gì, có độc hại hay không. Trước mắt, vận động người dân không sử dụng chất này trong bảo quản, chế biến hải sản.

Cũng tại cuộc họp này, bà Bùi Thị Thu Vương, phó chủ tịch UBND phường Xuân Đài, cho biết tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm của phường đạt 3.000 tấn, trong đó 50% là ruốc.

KIM THỦY

Lấy được dị vật trong mắt sau 8 lần phẫu thuật 

TTO - Đó là trường hợp của bà P.T.P, 48 tuổi, ở Bình Phước. Trước đó,  bà bị một cành cao su đâm vào mắt, sau đó bà đã đến bệnh viện địa phương phẫu thuật lấy dị vật 4 lần và một bệnh viện ở TP.HCM phẫu thuật 3 lần nhưng mắt vẫn bị sưng và xì mủ.

Dị vật đã được lấy ra - Ảnh: Mỹ Thương
Dị vật đã được lấy ra - Ảnh: MỸ THƯƠNG

Bác sĩ Bùi Trung Dũng, phó khoa Răng Hàm Mặt Mắt Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bà P. đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM vào ngày 21-3 trong tình trạng sưng tấy hốc mắt bên trái. Kết quả chụp CT cho thấy có dị vật ở sâu trong hốc mắt, sát với nền sọ.

Các bác sĩ ở ba khoa Ngoại thần kinh, Mắt, Tai mũi họng đã hội chẩn và quyết định kết hợp vừa mổ hở vừa mổ nội soi để gắp dị vật cho bệnh nhân. Mổ hở để định vị dị vật và mổ nội soi để gắp các dị vật ra. Nếu chỉ mổ hở, vết mổ sẽ dài, làm hư mắt bệnh nhân.

Trưa 24-3, các bác sĩ đã gắp ra 10 dị vật gồm những mảnh gỗ nhỏ dài từ 0,3cm đến 1,5 cm. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Theo bác sĩ Trung Dũng, sở dĩ hai bệnh viện trước đó không gắp được hết dị vật ra cho bệnh nhân vì những dị vật này nằm trong vị trí rất sâu, cần phải có bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh xác định vị trí của dị vật chưa ăn vào não mới tiến hành mổ được.

THÙY DƯƠNG

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Thực phẩm chức năng có thể bị siết?

Theo đó, Bộ Y tế cho biết đã bổ sung quy định nghiêm cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung phòng bệnh, chữa bệnh, giảm nhẹ bệnh, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể đối với sản phẩm không phải là thuốc, ngoại trừ trang thiết bị y tế vào dự thảo Luật dược sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào 
cuối tháng 3 này.

Nếu Luật dược sửa đổi thông qua quy định kể trên, tức nghiêm cấm quảng cáo, thông tin, ghi nhãn có nội dung phòng, chữa bệnh, giảm nhẹ bệnh... ở sản phẩm không phải là thuốc, tất cả sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường sẽ buộc phải thay đổi toàn bộ nhãn hàng và hình thức quảng cáo, tiếp thị.

Bộ Y tế cũng dẫn thông tin từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Singapore, New Zealand... cho rằng họ đều quản lý rất chặt tác dụng phòng, trị bệnh trong quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm chức năng. “Ở Anh, nếu thực phẩm chức năng nào quảng cáo có tác dụng phòng, trị bệnh thì cấp phép và quản lý như quy định đối với thuốc” - đại diện 
Bộ Y tế cho biết.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN vừa có văn bản khẩn gửi Quốc hội, kiến nghị về dự thảo Luật dược sửa đổi. Theo đó, ông Trần Đáng - chủ tịch hiệp hội - cho rằng trong điều 1 dự thảo Luật dược sửa đổi quy định luật này điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thuốc. “Cớ sao lại đưa vấn đề không phải là thuốc vào dự thảo? Các sản phẩm không phải là thuốc đã có luật khác, ví dụ Luật an toàn thực phẩm điều chỉnh” - ông Đáng chất vấn.

Tuy nhiên Bộ Y tế lại cho rằng thực phẩm chức năng dù được quy định trong Luật an toàn thực phẩm nhưng chỉ có vài điều đơn sơ, chưa đáp ứng yêu cầu 
quản lý hiện nay.

“Thực tế có việc thổi phồng quảng cáo thực phẩm chức năng khiến người dân tưởng đó là thần dược, mua bán tràn lan thực phẩm chức năng giả mạo, nhập lậu qua mạng khiến thị trường khó phân biệt thật giả. Siết quản lý thực phẩm chức năng là cần thiết, nhưng để tránh chồng chéo với Luật an toàn thực phẩm thì cần có quy định hạn chế lạm dụng thực phẩm chức năng, lâu dài cần có luật riêng về thực phẩm chức năng” - đại diện Bộ Y tế đánh giá.

Chữa đái tháo đường cho trẻ 
dễ thất bại

Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường điều trị tại khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa
Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường điều trị tại khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa

Em V.T.K.H., 12 tuổi, ở Tây Ninh, nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ cho biết gia đình em đã không tuân thủ điều trị trong thời gian dài nên em đã bị đục thủy tinh thể, một biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Ngày 3-3, tại khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, em H. nói với bác sĩ không nhìn thấy rõ nữa. Khi đưa các ngón tay trước mặt H. cũng không thể đếm được. Trường hợp của H. được bác sĩ nhớ rõ vì mỗi lần H. nhập viện đều trong tình trạng hôn mê.

Mẹ đi làm, ba đi nhậu, con không thể tự chích insulin...

Bà T.T.C., 59 tuổi, mẹ của em H., kể con gái bà được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường khi H. mới 7 tuổi. Ngày đó, H. mệt đến mức không thể ngồi, không ăn uống được nên gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó bệnh viện này chuyển H. xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Khi hỏi tại sao con bà được bác sĩ chỉ định chích thuốc insulin ngày hai lần nhưng gia đình lại không tuân thủ điều trị, bà C. kể bà đi làm thuê suốt nên giao việc chăm sóc con cho chồng bà.

Bác sĩ quay sang hỏi H. ai chích cho em thì H. trả lời những lần ba đi nhậu em đã tự chích, nhưng nay mắt em bị mờ nên không tự chích được.

Em trai D.T.N., 15 tuổi, ở Hậu Giang, cũng nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê. Em N. được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1 từ tám năm trước.

Bác sĩ cũng chỉ định cho N. chích insulin hai lần vào sáng và tối nhưng gia đình em lại chỉ chích một lần vào buổi chiều với lý do cho tiện. Hiện em N. cũng bị biến chứng đục thủy tinh thể.

TS.BS Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết khoa thận - nội tiết đang quản lý khoảng 100 trẻ em mắc bệnh đái tháo đường điều trị ngoại trú.

Trong số này, 90% là đái tháo đường type 1 (thiếu insulin, tuyến tụy không thể sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin để chuyển hóa đường trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến các cơ quan, hệ thần kinh của cơ thể), còn lại là tiểu đường type 2 (không nhạy với insulin, có insulin mà cơ quan đích 
không đáp ứng với insulin).

Nhiều cha mẹ chưa hiểu bệnh

Qua quá trình điều trị cho các bệnh nhi này, TS Thoại Loan nhận xét nhiều gia đình chưa hiểu hết những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường và việc tuân thủ điều trị còn gặp nhiều khó khăn.

Lúc đầu, khi bác sĩ thông tin trẻ mắc bệnh đái tháo đường nhiều gia đình đã bị sốc, đặc biệt khi biết việc điều trị kéo dài đến hết cuộc đời của trẻ.

Hầu hết trẻ em mắc bệnh đái tháo đường là type 1 nên bác sĩ sẽ chỉ định phải tiêm insulin ngày 2 lần (sáng, chiều) vào đúng một giờ cụ thể. Ngoài việc tuân thủ các cữ tiêm đúng giờ, những món ngọt trẻ em thường rất thích thì trẻ em mắc bệnh đái tháo đường cũng phải ăn kiêng.

Nhiều ông bố, bà mẹ kể dù cố gắng lắm họ chỉ hạn chế cho trẻ không ăn ngọt ở nhà, còn khi trẻ đến trường thì không thể kiểm soát.

Một bà mẹ có con mắc bệnh đái tháo đường từng chia sẻ: “Khi cháu đi dự sinh nhật bạn cháu muốn ăn bánh sinh nhật để chung vui cùng bạn. Tôi đã không đành lòng ngăn cản cháu”.

Với những trẻ ở tuổi mới lớn, tâm lý bắt đầu thay đổi, việc yêu cầu trẻ tuân thủ còn khó khăn hơn.

Bác sĩ vẫn tư vấn cho gia đình không nên để đường huyết của trẻ ở mức cao vì sẽ nguy hiểm. Tuy nhiên khi đường huyết cao, cả phụ huynh và bệnh nhi đều không thể nhìn thấy liền như các triệu chứng sốt, ho, nổi ban...

Đường huyết cao chỉ phá hủy dần dần các mạch máu nhỏ, đến khi quá cao mới có biến chứng cấp tính. Vì lẽ đó, nhiều bậc phụ huynh và bệnh nhi có suy nghĩ “bác sĩ nói không chích thuốc không được nhưng không chích vẫn bình thường chứ có sao đâu?”.

Vì những lý do kể trên nên việc điều trị đái tháo đường cho trẻ em dễ bị thất bại.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của bệnh đái tháo đường ở trẻ có thể do yếu tố di truyền hoặc do môi trường, chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động dẫn đến béo phì thừa cân.

Để phòng bệnh đái tháo đường ở trẻ em, các bậc phụ huynh nên có chế độ ăn hợp lý cho trẻ, không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, nước ngọt có gas, nên ăn nhiều rau củ quả... Ngoài ra, cần cho trẻ tập luyện thể dục thường xuyên để tránh tăng cân, béo phì.

Thuốc và chế độ ăn đều quan trọng như nhau

Bác sĩ Trần Thị Bích Huyền, khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyến cáo trẻ em mắc bệnh đái tháo đường phải tuân thủ điều trị và có một chế độ ăn thích hợp vì thuốc và chế độ ăn đều quan trọng như nhau.

Ngoài ra, người nhà cần đưa trẻ đi tái khám thường xuyên để tầm soát những biến chứng xảy ra ở mắt, thận, mạch máu, tim, tuyến giáp...

Các bậc cha mẹ thường đưa trẻ đến bệnh viện khám và phát hiện mắc bệnh đái tháo đường khi trước đó trẻ tiểu nhiều, uống nước nhiều, ăn nhiều nhưng lại sụt cân, một số trường hợp đi tiểu thấy có kiến bu.

Bên cạnh đó, có những trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê, sau đó mới được phát hiện bệnh.

Bệnh đái tháo đường ở trẻ em nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như đục thủy tinh thể, suy thận... thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

THÙY DƯƠNG

Nhai rạo rạo không chỉ sướng miệng còn ăn ít đi

Đây là kết quả phân tích từ các chuyên gia dinh dưỡng thuộc Đại học Brigham Young và Colorado State (Mỹ).

Sau khi cho những người tình nguyện thưởng thức món snack trong khi đeo tai nghe đang mở tiếng ồn với nhiều mức độ khác nhau, họ nhận thấy những người bị tiếng ồn che mất âm thanh của thức ăn khi nhai sẽ có khuynh hướng ăn nhiều hơn gấp 1,5 lần so với người không nghe tiếng ồn mà chỉ nghe tiếng nhai rạo rạo trong miệng.

Tác giả nghiên cứu cho rằng âm thanh của thức ăn trong khi nhai cũng là loại "vị giác" quan trọng, nếu tập trung vào nó càng nhiều thì càng tránh tình trạng ăn quá đà.

BS HUỲNH KHIÊM HUY (Theo Food Quality and Preference)

​Chọn dầu ăn theo tiêu chí chuyên gia

Khi dạo một vòng siêu thị, bạn sẽ choáng ngợp trước một rừng các loại dầu ăn với đa dạng chủng loại, mẫu mã, thương hiệu. Điều này dễ khiến bạn bối rối khi muốn mua một chai dầu ăn cho gia đình mình. Chọn loại dầu ăn nào có thể phù hợp với các hình thức chế biến như rán, xào, trộn salad vừa mang lại giá trị dinh dưỡng dồi dào cho bữa ăn gia đình cũng không phải chuyện dễ.

Người tiêu dùng dễ bị choáng ngợp bởi hàng chục loại dầu ăn với đa dạng chủng loại, mẫu mã, thương hiệu

Để tìm hiểu về cách chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe, bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cho biết, ngoài thương hiệu uy tín, thành phần nguyên liệu là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của dầu ăn.

BS Diệp đánh giá cao 3 loại dầu ăn đậu nành, hướng dương, dầu gạo

Dầu ăn và bài toán “tối ưu”

Câu chuyện chọn dầu ăn tưởng như phức tạp nhưng theo bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, chị em cần chú ý đến hai yếu tố sau:

- Uy tín thương hiệu: Bạn chọn thương hiệu dầu ăn từ nhà sản xuất uy tín, có dây chuyền công nghệ hiện đại. Sản phẩm có chứng nhận, kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhà sản xuất có địa chỉ rõ ràng, website với đầy đủ thông tin cần thiết.

- Thành phần, nguyên liệu dầu ăn: Có nhiều loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe như dầu ô-liu, dầu ngô, dầu vừng… Ba loại dầu ăn sau đây được đánh giá cao bởi giá trị dinh dưỡng và những lợi ích cho sức khỏe.

- Dầu gạo: Là loại dầu cao cấp và tốt cho sức khỏe với “dưỡng chất vàng” gamma-oryzanol. Đây là chất chống ô-xy hóa hiệu quả gấp bốn lần vitamin E, cùng với phytosterols có khả năng giảm cholesterol xấu, tăng cường hệ miễn dịch, ức chế hình thành các gốc tự do giúp làm chậm quá trình lão hóa, giảm nguy cơ mắc ung thư.

- Dầu hướng dương: Có chứa hàm lượng vitamin E cao nhất so với các loại dầu thực vật. Mỗi thìa canh dầu hướng dương cung cấp 6,1mg vitamin E, đáp ứng khoảng 40% lượng khuyến cáo vitamin E hàng ngày. Đây là một chất chống ô-xy hóa rất cần thiết cho cơ thể, có tác dụng chống lão hóa, giúp tạo ra các hồng cầu, tăng cường hệ tuần hoàn.

- Dầu đậu nành: Là dầu ăn được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì có chứa các loại a-xít béo thiết yếu gồm omega 3, 6, 9 và phytosterols. Các chất béo tốt trong dầu còn mang lại lợi ích đáng kể cho thị giác và não bộ.

Người tiêu dùng nên kết hợp sử dụng ba loại dầu gạo, dầu đậu nành và dầu hướng dương để đảm bảo lợi ích về sức khoẻ cho mỗi thành viên trong gia đình

Chính vì những lợi ích vừa nêu, bạn nên kếp hợp sử dụng ba loại dầu gạo, dầu đậu nành và dầu hướng dương để đảm bảo mang lại những lợi ích vượt trội về sức khỏe cho mỗi thành viên trong gia đình. Ngoài ra, chọn loại dầu ăn có thành phần kết hợp từ ba loại dầu trên sẽ càng mang lại sự tiện lợi.

Dầu ăn Neptune Gold là sự kết hợp hài hoà giữa ba thành phần dầu tự nhiên cao cấp gồm dầu gạo, dầu nành, và dầu hướng dương. Sản phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng tối ưu cho mọi lứa tuổi với các dưỡng chất tốt cho sức khoẻ như Gamma-Oryzanol, các Axit béo không no Omega 3, 6, 9, Vitamin E, Phytosterols… Không những thế, sản phẩm còn phù hợp với nhiều hình thức chế biến (như chiên, xào, trộn salad,…) mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi không phải mất công tìm mua và sử dụng cùng lúc nhiều loại dầu ăn. Dầu ăn Neptune Gold là lời giải cho người tiêu dùng trong bài toán chọn mua dầu “tất cả trong một” đảm bảo sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình.

​Ảnh ướp ruốc bằng hóa chất gây “bão” mạng

Ảnh ướp ruốc bằng hóa chất đang gây “bão” mạng - Ảnh: Lê My

Lê My là một người chơi nhiếp ảnh quê ở Phú Yên. Chị cũng tổ chức nhiều chuyến đưa bạn bè nhiếp ảnh gia về quê mình săn ảnh.

Ngày 23-3, Lê My đưa lên trang cá nhân loạt ảnh chuyến về quê mới nhất chị chụp cảnh ngư dân Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên) đang nhuộm hóa chất cho các giỏ ruốc ngay trên bãi biển.Đồng thời, Lê My kể lại câu chuyện mình đã chụp những bức ảnh này như thế nào:

“Tháng 3-2013 chúng tôi 10 tay máy đi thuyền từ Gành Đá Dĩa ra tới Vịnh Xuân Đài, địa phận Sông Cầu. Trên đường đi có ghé vào bãi biển này chụp ảnh đời thường và nghỉ ngơi. Người dân ở đây vui vẻ mời vào nhà uống nước trò chuyện rất thân thiện vui vẻ.

Vào tháng 3-2016, sau 3 năm tôi quay lại Gành Đỏ, một việc làm của bà con ngư dân nơi đây khiến tôi vừa tò mò vừa rất ngạc nhiên: nhuộm đỏ con ruốc!

Khi tôi giơ máy lên chụp từ xa, thì một vài người đàn ông ngồi trước hiên nhà hét lớn: "Không quay phim chụp ảnh!". Tiến tới gần, người phụ nữ đội nón trắng vừa cho hóa chất có màu đỏ vào chai nhựa, vừa pha vào thùng nước lớn, vừa chửi tôi xối xả, lại còn đòi đập máy ảnh của tôi.

Chúng tôi lảng đi ra xa và gặp thêm một tốp nữa vừa khuân vác những giỏ ruốc tươi rói trắng ngà từ thuyền thúng lên bờ. Họ lại tiếp tục quát mắng chúng tôi mặc dù chúng tôi ko cầm máy chụp nữa.

Quá quắt, chúng tôi gắt lại mấy câu thế là một chị nhanh miệng bảo: "Ruốc này chuyển ra bán Hà Nội chứ ko bán ở quê mình đâu. Mấy bà bên kia chửi tụi tao chứ ko phải chửi mấy đứa đâu. Mà đừng quay lên tivi nha".

Ngay khi những bức ảnh được đưa lên mạng, những cư dân mạng tới tấp chia sẻ chúng với những lời cảm thán, thảng thốt. Trong lúc bị ám ảnh bởi những cái chết trẻ bởi căn bệnh ung thư, nỗi ám ảnh an toàn thực phẩm… thì những bức ảnh của Lê My như một cú sốc cho người xem ảnh.

Một người tên Thanh Xuân Quách chua xót: “Dân Việt mình mãi mãi không tiến bộ được, vì chỉ lo hại nhau chứ không lo nâng cao nhân cách, trí tuệ”. 

Một người khác tên Vương Lan bày tỏ phản ứng: “Thật phẫn nộ. Chỉ vì một chút lợi nhuận mà đang tâm hủy hoại dân mình đến thế!”.

Cũng có những ý kiến đặt câu hỏi rằng làm sao chứng minh được đó là ngư dân Gành Đỏ, Phú Yên.

Lê My cho biết rằng những bức ảnh chị đã cắt hết phần mặt của những người dân để giữ bí mật đời tư cho họ. Nhưng chị vẫn cương quyết với việc công bố của mình: “Miễn sao tôi thấy việc tôi làm là đúng trách nhiệm và không làm ngơ với điều sai trái đang diễn ra ngay trước mắt mình”.

Sau 8 giờ công bố, tính tới 22g30 ngày 23-3, những bức ảnh của Lê My được chia sẻ trên 7.300 lượt và nhận được gần 5.500 lượt like.

Ảnh ướp ruốc bằng hóa chất - Ảnh: Lê My

Một du khách đến VN nhiễm virus zika

TTO - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu xác nhận đã nhận được thông tin từ Úc, cho biết khách du lịch người Úc nhập cảnh Việt Nam ngày 26-2, rời Việt Nam ngày 6-3, đến 8-3 có biểu hiện sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, tương tự triệu chứng nhiễm virus zika.

Sau đó, có xét nghiệm xác định du khách mắc căn bệnh này, nhưng chưa rõ mắc bệnh từ đâu.

Ông Phu cho hay trong thời gian ở Việt Nam vị khách kể trên đã đi đến TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hoà và Bình Thuận.

Chiều nay, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Cục Y tế dự phòng đã có cuộc làm việc với tỉnh Khánh Hoà, ngày 24-3 dự kiến sẽ làm việc với Bình Thuận để nâng mức độ cảnh báo đối với bệnh zika.

Ông Phu cho biết thời gian ủ bệnh do virus zika từ 3-12 ngày, thời gian qua đã xét nghiệm hơn 200 mẫu bệnh phẩm từ các điểm giám sát nhưng chưa ghi nhận virus zika ở Việt Nam.

Một du khách đến VN có triệu chứng nhiễm virus zika

TTO - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu xác nhận đã nhận được thông tin từ Úc, cho biết khách du lịch người Úc nhập cảnh Việt Nam ngày 26-2, rời Việt Nam ngày 6-3, đến 8-3 có biểu hiện sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, tương tự triệu chứng nhiễm virus zika.

Ông Phu cho hay trong thời gian ở Việt Nam vị khách kể trên đã đi đến TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hoà và Bình Thuận.

Chiều nay, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Cục Y tế dự phòng đã có cuộc làm việc với tỉnh Khánh Hoà, ngày 24-3 dự kiến sẽ làm việc với Bình Thuận để nâng mức độ cảnh báo đối với bệnh zika.

Ông Phu cho biết thời gian ủ bệnh do virus zika từ 3-12 ngày, thời gian qua đã xét nghiệm hơn 200 mẫu bệnh phẩm từ các điểm giám sát nhưng chưa ghi nhận virus zika ở Việt Nam.

Gần 70 người ngộ độc do khuẩn Coliform và E.Coli 

Các công nhân nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo vào ngày 10-3 - Ảnh: Hoài Thương
Các công nhân nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo vào ngày 10-3 - Ảnh: Hoài Thương

Ngày 23-3, bác sĩ Võ Phúc Hậu - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Tiền Giang cho biết thông tin trên.

Cụ thể hàm lượng vi khuẩn Coliform và  E.coli vượt quá mức cho phép nhiều lần. Hai vi khuẩn này hiện diện trong món thịt heo kho trứng và rau sống suất ăn trưa 10-3.  

Đơn vị cung cấp thức ăn cho Công ty TNHH Dea Chang Vina là do bà Trần Thị Bảy - ngụ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Theo bác sĩ Hậu, hiện thanh tra Sở y tế Tiền Giang phối hợp với bên Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ mời Công ty TNHH Dea Chang Vina lên làm việc và sẽ thống nhất mức xử phạt hợp lý theo đúng quy định.

Trước đó, từ trưa 10-3, sau khi ăn cơm (thịt heo kho trứng, canh bí đao, rau sống...) thì 69 công nhân bắt đầu nhập viện là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu phân lỏng.

Những bệnh nhân đều từ Công ty TNHH Dea Chang Vina tọa lạc xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.

Sau bữa ăn khoảng 1 giờ thì bắt đầu sốt nhẹ, mệt, đau đầu, choáng váng, nôn ói và tiêu chảy. Một số công nhân bị xỉu tại chỗ nên được đưa đi cấp cứu trước, sau đó chúng tôi được đồng nghiệp đưa tới bệnh viện.

Được biết, hôm đó bếp ăn của bà Trần Thị Bảy cung cấp 294 phần ăn cho công nhân (trong đó có 24 suất ăn chay). Thức ăn được công ty hợp đồng với bà Trần Thị Bảy cung cấp. Hàng ngày bà Bảy mua thực phẩm ở chợ mang đến chế biến tại công ty.

Đến khoảng 21g cùng ngày, hầu hết công nhân cơ bản đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Đến sáng 11-3 vẫn còn 7 công nhân tiếp tục điều trị.

HOÀI THƯƠNG

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Bé bị dao quắm xuyên trán đã tự thở, tự bú

TTO - Ngày 22-3, hơn 3 ngày sau ca mổ điều trị vết thương do dao quắm xuyên trán, bé Phùn Thanh Vân, thời điểm đươc phẫu thuật (19-3) là 35 ngày tuổi, dân tộc Dao ở Quảng Ninh đã được cài máy thở, rút thông dạ dày, thông tiểu và bú được mẹ.

Mẹ con bé Vân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Mẹ con bé Vân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, người chủ trì ca phẫu thuật cho bé Vân, sức khỏe của bé đang tiến triển theo chiều hướng tốt, bé đã hoàn toàn hết sốt, tri giác tốt và đang được tiếp tục điều trị tại Khoa ngoại nhi của Bệnh viện.

Do hoàn cảnh gia đình bé khó khăn, toàn bộ chi phí điều trị, cấp cứu, ăn ở của gia đình bé Vân trong những ngày ở bệnh viện do Bệnh viện chi trả.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Nối thành công "của quý" bị cắt đứt lìa 

Bệnh nhân L.V.Q. (37 tuổi, quê ở thị xã Giá Rai, Bạc Liêu), nhập viện cấp cứu vào sáng 20-3 trong tình trạng bị thương đầu dương vật, máu ra nhiều.

Theo lời bệnh nhân, trong lúc đang ngủ ông bị người tình (sống chung tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) dùng dao cắt đứt lìa dương vật do ghen tuông.

Sau đó cũng chính người phụ nữ này đã sơ cứu, ướp nước đá phần bị đứt lìa và đưa ông đi bệnh viện. Người phụ nữ này bị công an đến mời về làm việc.

Theo bác sĩ Dũng, các bác sĩ phải mất hơn 4 giờ để khâu nối niệu đạo, nối vật cương (thể hang) và nối các mạch máu. Sau đó bệnh nhân được mở bàng quang ra da để đi tiểu, cho mau lành vết thương.

Hiện tại vết khâu nối đã ổn, chỗ nối đầu dương vật đã hồng hào và có máu nuôi tốt; tuy nhiên sau khoảng 2-3 tuần vết thương lành bệnh nhân phải đi nông niệu đạo định kỳ (do khâu nối sẽ bị hẹp).

Cha mẹ ăn béo, con cũng dễ béo phì

Theo đó, các yếu tố biểu sinh có thể truyền trực tiếp thông qua tinh trùng và trứng.

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu di truyền học thực nghiệm (Đức) đã thử nghiệm trên chuột để kiểm tra giả thuyết cha mẹ có thể truyền tính trạng cho con do tiếp xúc với môi trường.

Họ đã lấy trứng và tinh trùng của những con chuột cho ăn chế độ ăn giàu chất béo, tạo phôi và cấy vào một con chuột khỏe mạnh khác để loại trừ yếu tố gây nhiễu.

Kết quả cho thấy thế hệ chuột con đã thừa hưởng những tính trạng của cha mẹ chúng khi có khuynh hướng thích ăn chất béo và tăng cân nhanh thành béo phì.

Với kết quả này, các nhà khoa học tin rằng đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng con cái có thể kế thừa một rối loạn chuyển hóa do môi trường, qua trứng và tinh trùng, phù hợp với lý thuyết của Lamarck và Darwin.

BS NGUYỄN TẤT BÌNH (Theo Nature Genetics)