Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Hỗ trợ gia đình người tử vong sau mổ chân 100 triệu đồng

TTO - Sáng 20-3, bác sĩ Lê Đức Nhân, phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết ban giám đốc, công đoàn, các bác sĩ đã đến thăm viếng nạn nhân Trần Thị Là (47 tuổi, trú Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng, tử vong tại bệnh viện này sau phẫu thuật chân).

Lãnh đạo ngành y tế, Bệnh viện Đà Nẵng trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí về trường hợp của bệnh nhân Là - Ảnh: Đ.Cường
Lãnh đạo ngành y tế, Bệnh viện Đà Nẵng trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí về trường hợp của bệnh nhân Là - Ảnh: Đ.Cường

Theo bác sĩ Nhân, sau khi xảy ra sự việc đau lòng, các bác sĩ tại các khoa phòng, công đoàn, lãnh đạo bệnh viện đã tự nguyện đóng góp được gần 100 triệu đồng để thăm viếng, chia sẻ nỗi đau buồn với gia đình nạn nhân.

“Đây là sự cố y khoa do khách quan rất đáng tiếc, các bác sĩ cũng rất đau xót khi xảy ra sự việc này”- bác sĩ Nhân nói.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều 6-3, bà Là bị vấp té gãy chân và được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị gãy liên lồi cầu xương đùi bên phải. Ngày 15-3, bà Là được phẫu thuật kết hợp nẹp xương và vít xốp để cố định chân bị gãy. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có diễn biến xấu và tử vong vào sáng 18-3.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng đã có cuộc họp và thống nhất nhận định nguyên nhân tử vong là thuyên tắc mạch phổi do mỡ hoặc huyết khối và có thể do sốc phản vệ sau truyền máu.

ĐOÀN CƯỜNG

Bé 10 tháng tuổi nuốt tụ điện trở tivi

Hiện sức khỏe của bé tiến triển tốt.

Trước đó, lúc 22g ngày 16-3, bé T.C.T. (ở huyện Minh Long, Quảng Ngãi) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng quấy khóc nhiều, môi tím, thông khí phổi bên phải giảm nhiều. X-quang có hình dị vật cản quang ở đường thở nằm ở phế quản góc phải.

Theo người nhà, khoảng 14g cùng ngày, ba mẹ thấy cháu T. ho sặc sụa, tím tái, khó thở và phát hiện mất tụ điện trở nhỏ dùng trong việc sửa tivi nên nghi bé đã nuốt tụ điện này, gia đình đưa bé vào bệnh viện huyện ở Quảng Ngãi và sau đó phải chuyển ra Đà Nẵng vì tình trạng 
của bé nặng hơn.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bé T. được hồi sức tích cực, theo dõi sát, làm xét nghiệm và đến sáng 17-3 bé được gây mê, nội soi khí phế quản. Bác sĩ đã lấy ra dị vật tụ điện trở kèm dây kim loại dài, sắc, nằm ở khí quản và phế quản góc phải. Hiện cháu bé ổn định, bú sữa bình thường, phổi thông khí tốt.

ĐOÀN CƯỜNG

Bộ trưởng Kim Tiến: “Người ta không bỏ rơi con được đâu”

Em Lê Thị Hà Vi trên giường điều trị ngày 19-3. -Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đó, Vi bị gãy chân do tai nan giao thông nhưng vì sự tắc trách và kém chuyên môn của những người có trách nhiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) chân Vi bị hoại tử, khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phải cắt bỏ.

Khi Bộ trưởng đến tận giường bệnh hỏi thăm Vi còn đau không, có ăn được không thì Vi trả lời: “Con còn đau, ăn được ít và đêm không ngủ được”.

Nghe vậy, Bộ trưởng đề nghị bác sĩ điều trị cho Vi uống thêm thuốc giảm đau. Khi nghe Bộ trưởng hỏi Vi có nguyện vọng học ngành y không? Thì Vi rớm nước mắt trả lời cô "không thích theo ngành y, chỉ thích theo ngành công an".

Bộ trưởng nói đây là sự cố không ai mong muốn và động viên Vi hãy cố gắng vượt qua sự cố này.

“Con sẽ có chân để đi học. Con sẽ được lắp chân giả. Chân giả giờ làm tốt lắm. Bác thương con”, Bộ trưởng nói.

Khi chị gái Vi, đại điện gia đình băn khoăn về vấn xác định thương tật, chi phí điều trị sau này, chi phí lắp chân giả nhiều lần về sau… Bộ trưởng Y tế khẳng định bé Vi sẽ được xác định thương tật và được thanh toán hết những chi phí này.

Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lăk và bộ trưởng hứa sẽ giám sát vụ việc này. “Người ta không bỏ rơi con được đâu”, Bộ trưởng an ủi.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có sự đánh giá về quá trình chẩn đoán và điều trị cho bé Vi ở Bệnh viện huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), sau đó gửi cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk để làm rõ trách nhiệm của bệnh viện huyện.

Các bác sĩ ở khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện  Chợ Rẫy cho biết hiện Vi đang trong giai đoạn phục hồi, kết quả các xét nghiệm trở về bình thường.

Các bác sĩ đang mong mỏm cụt của Vi lành để lắp ghép chân giả cho Vi, để Vi đi học trở lại và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Bộ Trưởng Bộ Y tế đến thăm em Lê Thị Hà Vi. -Ảnh: Hữu Khoa.
Hà Vi xúc động khóc trong chiều 19-3. -Ảnh: Hữu Khoa.
THÙY DƯƠNG

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Nữ sinh bị cưa chân: trách nhiệm quan trọng hơn cảm thương

Đại diện báo Tuổi Trẻ (áo đỏ) và ông Lâm Tấn Lợi, giám đốc công ty võng xếp Duy Lợi (giữa), thăm nữ sinh Hà Vi - Ảnh: Vũ Thủy
Đại diện báo Tuổi Trẻ (áo đỏ) và ông Lâm Tấn Lợi, giám đốc công ty võng xếp Duy Lợi (giữa), thăm nữ sinh Hà Vi - Ảnh: Vũ Thủy

Như đã đưa tin, sau khi gặp tai nạn giao thông, Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Do sự tắc trách và kém chuyên môn của những người có trách nhiệm ở bệnh viện này, chân Vi bị hoại tử, khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phải cắt bỏ để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Cảm thương cho ước mơ của cô bé 15 tuổi sớm bị dập tắt bởi sự tắc trách mà người lớn đã gây ra, bạn đọc ký tên Bác Bảy an ủi: “Cố gắng vượt qua nỗi đau này nhé cháu! Không làm chiến sĩ công an, nhưng cố gắng thì cháu có thể trở thành bác sĩ giỏi sau này”. Bạn đọc Tran Hien cũng viết: “Nhìn gương mặt ngây thơ của em, tôi không nói thành lời. Nhìn em, tôi thấy đau lòng thế này thì chính bản thân em và gia đình em sao chịu cho nổi? Em ơi, hãy cố lên nhé!”.

Bên cạnh những lời an ủi động viên em Vi, hầu hết ý kiến đều mong muốn ngành y tế phải có trách nhiệm hơn nữa để tránh những việc đau lòng tương tự có thể xảy ra.

Bạn đọc Phạm Quang nhận xét ngắn gọn: “Đây là cái giá phải trả cho việc đào tạo bác sĩ chuyên tu và cử tuyển tràn lan”.

Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Phạm Hoàng Phúc bổ sung: “Khi mà hơn 40% bác sĩ ở các tỉnh miền núi được nâng cấp từ y sĩ, thậm chí là từ điều dưỡng thì những chuyện như thế này không thể tránh khỏi. Bộ Y tế phải là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này”.

Cuối cùng, ở góc độ lương tâm nghề nghiệp, bạn đọc Nguyễn Thanh Vân gửi ý kiến của mình đến những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng với lời nhắn: “Nếu đã chọn phục vụ ngành y thì các vị phải tự thấy mình có đủ trách nhiệm và trình độ để thực hiện y đức không rồi hãy làm. Xin chớ để bao nhiêu người phải chết và khổ vì những người ngành y không tài, không đức”.

TUỔI TRẺ ONLINE

Phục hồi trí nhớ cho bệnh nhân Alzheimer

Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ và Viện Riken của Nhật Bản, họ đã phục hồi thành công trí nhớ cho những con chuột bằng việc sử dụng ánh sáng xanh đèn flash.

Theo đó, thí nghiệm tiến hành với những con chuột đã được chỉnh sửa gen để chúng có các triệu chứng giống hệt người bệnh Alzheimer. Trong thí nghiệm, chuột bị châm một xung điện vừa phải vào bàn chân. Với những con khỏe mạnh, chúng tỏ ra sợ hãi khi bị đưa trở lại lồng nhưng với những con bị chỉnh sửa gen, chúng không tỏ ra sợ hãi vì đã “quên” mất vụ bị điện giật.

Với những người bị Alzheimer, hồi hải mã trong não họ bị thu nhỏ bớt, đây lại là phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành ký ức. Các nhà nghiên cứu đã dùng ánh sáng flash màu xanh lá kích thích các tế bào trong hồi hải mã, giúp phát triển các tế bào thần kinh ở đây. Sau khi được kích thích, những con chuột bị chỉnh sửa gen đã tỏ ra sợ hãi khi bị đưa trở lại lồng, dấu hiệu cho thấy chúng đã “nhớ ra” kinh nghiệm bị giật điện lần trước.

Giáo sư Susumu Tonegawa, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Ngay cả khi ký ức dường như biến mất thì nó vẫn còn ở đó. Vấn đề chỉ là làm thế nào để lấy lại được nó”. Phương pháp kích thích tế bào ở chuột trong thí nghiệm không an toàn khi dùng cho người, nhưng giáo sư Tonegawa cho rằng kết quả thí nghiệm là một bằng chứng cho thấy khả năng có thể phục hồi trí nhớ ở người bệnh Alzheimer nếu tìm ra một cách khác an toàn hơn.

D.KIM THOA

Mổ đúng "quy trình" vẫn chết, tại sao?

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi và thân nhân nằm ngồi chật cứng

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi và thân nhân nằm ngồi chật cứng. Người dân các tỉnh lũ lượt đưa con về BV lớn để điều trị.

Nữ sinh bị cưa chân vì bác sĩ bó bột tắc trách; bệnh nhân chết bất thường sau một mũi tiêm; bị hướng dẫn đi lòng vòng; BS thiếu chuyên môn cắt hơn phân nửa bàng quang cháu bé;…

Hàng loạt vụ việc BS tắc trách gây ra những hậu quả đáng tiếc đã khiến người dân phẫn nộ. Đáng chú ý là những vụ này xảy ra nhiều nhất ở những bệnh viện (BV) tỉnh. 

“Người dân cứ thích chuyển viện lên tuyến trên là có lý do. Họ không tin BV tuyến dưới. Bệnh viện tuyến trên luôn quá tải là vậy”- nhiều bạn đọc nói.

Các bạn đọc cũng cho rằng chừng nào mà chất lượng của các BV tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện thì tuyến trên có xây thêm bao nhiêu BV nữa, cũng quá tải.

Nhiều bạn đọc cho rằng cái gốc vấn đề hiện nay là khâu cử tuyển chưa đặt yêu cầu cao. Chênh lệch điểm số cử tuyển cũng là một trở ngại vì trình độ không đồng đều.

Trình độ chuyên môn chưa vững vàng?

Theo BS Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, những trường hợp tai nạn như trên là những sai lầm, những sơ suất rất “ngô nghê” do trình độ chuyên môn, tay nghề chưa vững của các bác sĩ.

“Trong y khoa luôn có những sai lầm, nhưng những sai lầm vô trách nhiệm như thế thì không thể chấp nhận được. Do vậy, người dân mới có tâm lý không muốn chữa ở các BV tỉnh, BV tuyến dưới. Nếu cứ để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như thời gian vừa qua thì làm sao mà người dân có thể tin tưởng được?” - BS Trịnh Tất Thắng nói.

Ông Trịnh Tất Thắng cho rằng để người dân thay đổi nhận thức thì ngành y tế phải có chính sách, chiến lược đầu tư cải thiện bộ máy y tế ở các vùng nông thôn.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Đặng Vạn Phước - cố vấn ban giám đốc ĐH Y dược TP.HCM, trưởng Khoa Y ĐH Quốc gia cũng cho rằng tâm lý người dân thích chạy lên các BV tuyến trên là rất bình thường, không thể trách họ khi các BV trở nên quá tải.

BS Trương Thị Xuân Liễu - Chủ tịch Hội y học TP.HCM, nguyên giám đốc Sở Y tế.TP.HCM nói: “Người dân đâu có phải ai cũng muốn đi xa xôi, tốn kém thời gian và tiền bạc để mà lên các TP lớn chữa bệnh. Người dân đặt niềm tin vào BS nào, BV nào thì sẽ đến đấy chữa trị. Muốn tạo niềm tin cho người dân thì đội ngũ chữa bệnh và thái độ phục vụ của các BV phải thật tốt, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn phải được đề cao”.

BV tuyến dưới khó khăn đủ đường

Một bác sĩ cho rằng không phủ nhận là nhiều BS ở BV tuyến dưới có trình độ chuyên môn chưa tốt. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại là liệu họ có được tạo điều kiện tốt để chữa bệnh chưa, có được cấp phát đúng thuốc và đủ thuốc để điều trị chưa?

Có nhiều loại thuốc không được cấp cho các BV tuyến dưới và các phòng khám đa khoa tư nhân mà chỉ có các BV tuyến trên mới có. Nhiều BV tuyến xã không được cấp thuốc đặc trị thì buộc lòng phải chuyển bệnh nhân lên các BV tuyến trên.

“Đây cũng là bức xúc của nhiều BS của các BV tuyến dưới. Không phải họ không đủ chuyên môn, mà là họ không được tạo điều kiện để chữa trị” - BS này cho biết.

Ở một chiều hướng khác, BS Trương Thị Xuân Liễu cho rằng có nhiều BV tuyến tỉnh không phải là thiếu trang thiết bị, mà là thiếu người để sử dụng những trang thiết bị đó.

Còn theo GS.TS Đặng Vạn Phước, nhiều trạm y tế phường xã được trang bị quá nghèo nàn và đặc biệt là yếu tố quyết định là con người thì lại không phải lúc nào cũng đủ trình độ hoặc được đào tạo bài bản.

“Nói thẳng ra là không BS nào chịu về tuyến dưới cả. Phương tiện quá thiếu, điều kiện phát triển tay nghề lại không có, người ta về cũng chẳng làm được gì cả” - GS.TS Đặng Vạn Phước nói.

Làm sao để các BS về nông thôn?

“Bạn bè mình học y xong, chẳng thấy ai chịu về huyện làm. Một là về tuyến tỉnh, thành phố, hai là bám trụ làm tư nhân tại các thành phố lớn. Còn cán bộ tuyến huyện chủ yếu là được cử đi học rồi lên dần” - bạn đọc Nhat Hoang nêu.

GS.TS Đặng Vạn Phước cũng nói: “Có bác sĩ nào chịu trụ lại phường xã đâu? Vì họ lên trên huyện, tỉnh thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn, họ có thể mở phòng mạch, và chưa kể đến những điều kiện khác chứ không chỉ là vấn đề vật chất.

Lên tỉnh họ có điều kiện học hành trau dồi kỹ năng. Và từ tỉnh thì họ lại muốn lên các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Ở đó có các hội nghị, hội thảo, họ được có cơ hội tiếp xúc với các đoàn nước ngoài, có điều kiện để họ phát triển tay nghề, con cái họ cũng có tương lai tốt hơn”.

Theo BS Trương Thị Xuân Liễu, những cán bộ công tác ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ngoài việc phải được tạo điều kiện về lương bổng thì còn phải được tạo điều kiện để họ được học tập tiếp.

“Bởi vì yêu cầu của ngành y là các bác sĩ lúc nào cũng phải học tập nâng cao trình độ, nâng cao hiểu biết về các kỹ thuật tân tiến. Nhiều người ở xa không có điều kiện học tập cũng là một bất lợi” - BS Xuân Liễu nếu ý kiến.

Ông Trịnh Tất Thắng cho rằng tất cả nằm ở vấn đề chính sách.

“Phải làm sao để BS nhận thấy rằng khi họ về vùng sâu vùng xa thì sẽ được đãi ngộ, chứ cứ bắt người ta chết gí ở một chỗ thì người ta không muốn về cũng là chuyện bình thường” - ông Tất Thắng nói.

Theo GS.TS Đặng Vạn Phước, các nước giải quyết vấn đề này bằng những nghĩa vụ cho sinh viên y khoa.

Sau khi ra trường, các sinh viên phải phục vụ ở các BV tuyến dưới, BV tỉnh trong thời gian ít nhất là 2 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ rồi thì mới được học tiếp.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài: 

>> BS Trịnh Tất Thắng:

Đang tải audio...

""

>> GS.TS Đặng Vạn Phước:

Đang tải audio...

""

>>  BS Trương Thị Xuân Liễu:

Đang tải audio...

""
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN

Chủ nhóm trẻ hứa lo chi phí điều trị bé trai bỏng dương vật 

Ngày 18-3, bà Lê Thị Hường - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết buổi làm việc giữa chính quyền địa phương, đại diện nhóm trẻ Mai Hồng và trụ trì chùa Phước Tuyền về trường hợp bé Nguyễn Hoàng Long (4 tuổi) bị bỏng dương vật khi đang theo học tại nhóm trẻ, đã thống nhất được kết quả. 

Phòng Giáo dục huyện xác định đây là sự việc đáng tiếc, yêu cầu chủ nhóm trẻ cùng các cô giáo rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc trông giữ trẻ, sẽ đưa ra rút kinh nghiệm trong toàn ngành giáo dục quận.

Theo đó, đại diện nhóm trẻ cũng đã đến bệnh viện thăm hỏi cháu Long và đến chùa Phước Tuyền (nơi nuôi dưỡng bé Long) để xin lỗi, hứa sẽ lo toàn bộ chi phí của bé Long nằm bệnh viện và chi phí thuê người trông giữ bé lúc nằm bệnh viện.

Bé Long là một trong năm bé của chùa Phước Tuyền đang theo học tại nhóm trẻ Mai Hồng.

Trước đó, theo giải thích của chủ nhóm trẻ, vào chiều 14-3, giờ ăn xế của các cháu, trong lúc cô giáo đang chia thức ăn cho các cháu, Long bưng tô hủ tiếu lên làm đổ vào người.

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường có sơ cứu cho bé nhưng không thông báo cho sư trụ trì chùa vì nghĩ bé bị bỏng nhẹ. Sau đó về chùa mới phát hiện và đưa bé đi khám tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Chiều 18-3, bé Long vẫn đang được điều trị tại khoa ngoại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Các bác sĩ cho biết vết phỏng cũng đã ổn định, bé tự tiểu được, tuy nhiên vẫn đang điều trị bằng kháng sinh và theo dõi kỹ vết thương.

Căng thẳng ca mổ cứu sống một phụ nữ tại nhà

Các bác sỹ tiến hành ca mổ ngay tại nhà cho chị lương Thị Vân - Ảnh: bệnh viện cung cấp
Các bác sĩ tiến hành ca mổ ngay tại nhà cho chị Lương Thị Vân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sáng 18-3, năm ngày sau ca mổ cấp cứu ngay tại nhà, chị Lương Thị Vân, 28 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình đã gần khỏe trở lại, chị cười nói luôn miệng.

Ca mổ áp lực

5 ngày trước đó, khi kíp cấp cứu của bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình và Khoa Huyết học của Bệnh viện đa khoa Thái Bình về Kiến Xương cấp cứu cho chị Vân, huyết áp của chị chỉ còn 40/20, mạch gần như không bắt được, môi và da trắng nhợt, không động đậy được tay chân và buộc phải mổ tại nhà.

Bác sĩ Phí Ngọc Chung (Bệnh viện Phụ sản Thái Bình), thành viên kíp phẫu thuật đặc biệt này cho biết nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nặng, nếu chuyển ra cơ sở y tế gần nhất là trạm y tế xã thì tình trạng bệnh có thể có biến chuyển nguy hiểm, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tại nhà cho bệnh nhân.

“Chúng tôi cũng có những lo ngại nếu phẫu thuật không thành công thì tai tiếng ảnh hưởng cả ngành, ảnh hưởng cả sự nghiệp của mình, nhưng quan trọng là tính mạng bệnh nhân rất cần phải cấp cứu ngay”- bác sĩ Chung chia sẻ.

Chị Vân kể chị cảm thấy hơi đau bụng từ đầu giờ chiều 13-3, nhưng cứ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa, bởi sáng cùng ngày chị đã đi siêu âm và chưa phát hiện điều gì bất thường.

Gần tối, bác sĩ trạm y tế xã vào khám cho mẹ chị cũng bị ốm, thấy chị nhợt nhạt, đau bụng đã đo huyết áp và khám luôn cho chị, bác sĩ nhận định có thể chị mang thai ngoài tử cung và đặt ngay đường truyền để duy trì mạch, huyết áp rồi gọi Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115.

Tại nhà riêng của gia đình chị Vân, các thiết bị y tế hỗ trợ phẫu thuật đều thiếu, bác sĩ gây mê Nguyễn Văn Thạnh cho biết các đã sử dụng cáng vận chuyển của 115 để làm bàn mổ, đèn mổ cũng dùng đèn của gia đình.

Người nhà bệnh nhân khóc ầm ĩ, hàng xóm kéo đến chật sân khiến bác sĩ cảm thấy rất áp lực.

Khi mở ổ bụng, trong bụng bệnh nhân có khoảng hơn 2 lít máu cục và máu trào ra từ phần phụ bị vỡ sau khi vỡ khối thai ngoài tử cung, bác sĩ phải lấy bát trong bộ dụng cụ phẫu thuật đã vô trùng múc máu từ ổ bụng ra và đưa vào một chiếc chậu, sau đó dùng gạc thấm và vắt vì không có máy hút.

Ban đầu, chị Vân được truyền 500 ml hồng cầu nhóm O (nhóm truyền được cho tất cả các nhóm máu), sau khi biết nhóm máu chính xác của chị Vân, nhóm phẫu thuật lại điều xe về bệnh viện lấy thêm 1500 ml máu tiếp tục truyền.

Sau hơn 2g được phẫu thuật cấp cứu, đến hơn 11g30 cùng ngày huyết áp của bệnh nhân đã lên được 80/40 và được chuyển an toàn lên phòng hậu phẫu của bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình.

Trường hợp không có trong giáo trình y khoa

Theo ông Trần Văn Bội, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình, riêng tại Thái Bình đã có 5 ca mổ vỡ khối thai ngoài tử cung như trường hợp chị Vân.

Mặc dù đây là loại ca mổ rất đặc biệt, không có trong bất kỳ giáo trình y khoa nào, nhưng lại xuất hiện tới 5 lần riêng tại Thái Bình.

Theo ông Bội, lý do là địa bàn tỉnh Thái Bình hẹp, các kíp chi viện ngoại viện luôn sẵn sàng trong trường hợp có đề nghị chi viện ở tuyến dưới.

Ông Bội cũng cho biết các bác sĩ từng 2 lần phải phẫu thuật cắt chi cho người bị máy ép gạch cuốn chân ngay tại ruộng.

“Trước đây chúng tôi phải vận chuyển cả máy ép gạch, máy tuốt lúa về bệnh viện cùng nạn nhân để phẫu thuật, nhưng nạn nhân có thể bị sốc và mất máu trong quá trình vận chuyển”- ông Bội cho biết.

5 ngày sau ca mổ, chị Vân đã sắp được về nhà. Ở giây phút cận kề khó khăn, chị đã được cứu bằng mộ ca mổ không có trong giáo trình y khoa.

Ăn rau củ quả phòng tránh ung thư đại trực tràng

Polyp đại tràng là một trong những dạng tiền ung thư cần chú ý tầm soát
Polyp đại tràng là một trong những dạng tiền ung thư cần chú ý tầm soát

Ăn rau không chỉ cung cấp đầy đủ chất xơ và vitamin cho cơ thể mà còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, ăn nhiều rau củ quả, nhiều chất xơ giúp nhuận trường, chất thải được đẩy ra ngoài, sạch vùng trực tràng.

Phòng bệnh từ lối sống

Gần đây, câu chuyện thanh niên Việt Nam “thể lực yếu, hút thuốc nhiều và bia rượu cao” đáng báo động và khiến nhiều người quan tâm. Lối sống không lành mạnh, lười vận động còn gây ra nhiều bệnh tật khác.

Theo BS Vĩnh Chúc chia sẻ trong quá trình khám chữa bệnh, phát hiện ra đa số bệnh nhân có nhiều quen ăn uống, sinh hoạt không tốt gây ảnh hưởng hoặc khiến bệnh tiến triển nhanh.

Có người đến khám về tình trạng táo bón thường xuyên, khi hỏi mỗi ngày uống bao nhiêu nước, bệnh nhân vô tư trả lời “nhiều lắm bác sĩ, 2-3 ly mỗi ngày”. Cơ thể người cần khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày để bù vào các hoạt động, ra mồ hôi, hơi thở, tiểu tiện… nhưng người trẻ lại rất ngại uống nước, cần thay đổi.

Dinh dưỡng hợp lý là biện pháp dễ thực hiện làm giảm tỷ lệ ung thư đại tràng. Y khoa thế giới khuyến cáo người dân nên bổ sung thêm canxi, axit folic vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày để cải thiện chất lượng sức khỏe.

Axit folic có nhiều trong các loại đậu: đậu nành, ngũ cốc họ đậu. Đây là nhóm thực phẩm giàu chất xơ nhất, có tác dụng kích thích nhu động ruột phòng ngừa ung thư đại tràng.

Các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ xanh, cải soong và trái cây như đu đủ, khoai lang... nên ăn thường xuyên. Ngoài việc cung cấp chất xơ và vitamin cùng khoáng chất cho cơ thể còn có nhiều hợp chất có khả năng kìm hãm sự phát triển những tế bào ung thư đại tràng và hạn chế khả năng di căn của loại ung thư này.

Thói quen ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật đang được y tế tích cực khuyến cáo là hạn chế, không chỉ trong việc phòng ngừa ung thư đại trực tràng mà với nhiều bệnh khác. Hạn chế rượu bia, tốt nhất là bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

Duy trì vận động, tập thể dục hàng ngày. Thể trạng tốt cũng có khả năng kháng bệnh, tăng sức đề kháng chống bệnh tật. Duy trì cân nặng ổn định cũng nên được chú ý theo dõi.

Ung thư đại tràng có dấu hiệu tăng ở người trẻ

Bác sĩ Hoàng Vĩnh Chúc cho biết trong thời gian gần đây, bệnh ung thư đại tràng ngày càng tăng ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất vẫn là những người ở độ tuổi 50 trở lên.

Nguyên nhân gây ung thư trực tràng vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ cần lưu ý để được điều trị sớm, phòng tránh ung thư.

Tổn thương tiền ung thư với dấu hiệu polyp đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng, phụ nữ đã từng bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử gia đình đã có người từng bị ung thư hoặc một trong những thành viên trong gia đình (cùng trực hệ: bố mẹ, con cái, anh chị em ruột) phát hiện bị đa polip đại tràng…

Khi có một trong những yếu tố trên cần được tầm soát bằng phương pháp nội soi hoặc thử máu trong phân. Bởi có thể máu không xuất hiện đỏ tươi dễ thấy mà máu trong phân dạng vi thể cần được nội soi hoặc thử mới phát hiện được.

Quan trọng, trong quá trình nội soi nếu phát hiện có polyp bác sĩ sẽ chỉ định cắt hoặc có khối u sẽ cho sinh thiết ngay lúc nội soi, giải phẫu bệnh biết được u lành hay ác tính. Cắt luôn polyp nhỏ trong khi nội soi hoặc cắt khoét khối u nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra, có những dấu hiệu mọi người cần lưu ý khi theo dõi thấy thói quen đi cầu bị thay đổi, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài kèm theo sụt cân không rõ lý do, đi cầu có máu lẫn trong phân, quan sát phân có hình dạng dẹt hoặc nhỏ hơn bình thường do khối u chèn ép gây biến dạng, sụt cân không rõ lỹ do...

Đầy hơi, chướng bụng  là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn tiêu hóa. Bụng căng to, người bệnh ợ hơi liên tục. Đây có thể là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, viêm, loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày, viêm đại tràng co thắt, ung thư đại trực tràng... Thường sẽ thấy cơn đau bụng đi kèm buồn nôn, do khối u nghẽn đường ruột, các chất dịch bị chặn lại, gây ra nôn mửa. Cần đặc biệt chú ý và tiến hành đi khám ngay, không nên để lâu.

Gian nan đưa con đi khám tâm lý

Chuyên viên Phùng Thị Lụa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đang khám tâm lý cho bệnh nhi - Ảnh: Tự Trung
Chuyên viên Phùng Thị Lụa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đang khám tâm lý cho bệnh nhi - Ảnh: Tự Trung

Sinh con ai cũng mong con khỏe mạnh, phát triển bình thường, nên không may con có biểu hiện bất thường, các cha mẹ lại đứng ngồi không yên. Và để tìm giải pháp, họ đưa con đến đi khám tâm lý.

4g sáng, anh Ng.V.T, 32 tuổi (H. Tam Nông, Đồng Tháp) bồng đứa con trai ngồi lẫn vào dòng người chờ nhận số đăng ký khám bệnh tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM). Hai cha con anh đi từ 12g khuya để đến TP.HCM. Đứa bé ngái ngủ nằm gục trên vai cha. Ngồi với anh T. còn có khoảng 30 cha mẹ khác đến từ sớm ngồi chờ nhận số khám tâm lý cho con. Có người ở tận các tỉnh miền Tây, miền Trung.

6g sáng, bệnh viện phát số, riêng phòng khám tâm lý chỉ phát 20 số. Hơn mười người không có số phải quay về chờ ngày sau đến khám. Con trai anh T. đã 3 tuổi nhưng mới chỉ biết ậm ự gọi những tiếng không thành lời.

Hằng ngày bé lầm lì chơi một mình, không để ý đến tiếng gọi kêu, trêu đùa của người xung quanh. Ban đầu quan sát thấy con như vậy, anh T dọn sân vườn, tráng bê tông thành một sân chơi mini cho trẻ con trong xóm đến chơi cùng bé. Anh còn mua kẹo bánh “dụ” để nhiều bé đến chơi. Ngày nào nhà anh T cũng chật kín trẻ con.

Tuy nhiên gần một năm, bé vẫn cô lập. Mặc cho các bé trong xóm chạy nhảy, chơi đùa, con anh chỉ thích chơi riêng. Hơi lo lắng, anh T. đưa con lên TP.HCM khám tâm lý. Tuần trước, anh đưa con lên bệnh viện nhưng không có số nên phải quay về. Rút kinh nghiệm lần này anh đi từ sáng sớm. “Thấy con người ta nói rành rẽ, còn mình không ơi hới gì nóng ruột không yên. Vợ chồng tui cả buồn, cả lo mới đưa bé đi khám”, anh T nói.

Ngoài ghế chờ trước phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I nhiều người nóng ruột chờ đến lượt khám cho con. Các bé đến khám đa phần độ tuổi từ 1 – 6 tuổi, với đủ thứ triệu chứng “bất thường”. Có bé chậm nói, ù lì, bé thì quá dạn người, nghịch ngợm... Đông nhất là trẻ bị bị chậm nói.

Anh L.Nh.Ph (Xuân Lộc, Đồng Nai) ẵm con trai hai tuổi ngồi chờ lượt khám. Ngồi một lúc, bé chán khóc to, đòi cha thả xuống đất. Anh Ph. phải để xuống bé mới chịu nín. Nhìn theo con, anh Ph. thở dài, cho biết ở nhà bé chỉ làm theo ý mình. Suốt ngày lủi thủi, quanh quẩn chơi một mình trong nhà, hết đi lên lại đi xuống cầu thang. Người nhà cùng chơi, hay kêu gọi bé đều ngó lơ.

Nghĩ cho bé đến lớp sẽ cải thiện nên anh xin cho con đi học. Đến lớp bé lại trở nên nghịch ngợm, thường xuyên tranh giành đồ chơi của bạn, nghịch bàn ghế, chạy nhảy khắp nơi. Vào học một tuần cô giáo không giữ được phải trả về nhà. “tui làm đủ cách nhưng thấy con càng ngày càng lạ. Nghe báo đài nói nhiều mấy chuyện tâm lý nên cũng lo, chẳng biết có bị sao không…”, anh Ph lo lắng.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) dù mới là ngày đầu tuần nhưng bác sĩ ở khoa tâm lý của bệnh viện báo lịch khám đã kín cả tuần. Cha mẹ muốn khám phải đăng ký sang tuần sau. Bác sĩ này cho biết bệnh tâm lý khác với các bệnh khác, để khám cho trẻ bác sĩ phải mất 45-60 phút, nhiều trường hợp mất cả 2g đồng hồ.

Ngày 15-3, chị L.T.N.H, 36 tuổi (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đưa con trai 5 tuổi lên khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng không có số phải quay về. Khi hai tuổi con trai chị ngủ giật bắn mình, đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tăng động. Lên năm tuổi, con chị trở nên nghịch ngợm, phá phách. Dù bé nói chuyện, phát triển bình thường, chị H. vẫn đưa con đi khám.

Và khi tìm được một suất cho con vào khám tâm lý, nhiều người làm cha làm mẹ ấy lại bắt đầu một hành trình khác... 

Làm bạn, trở thành giáo viên của con

Sau khi khám, được bác sĩ tư vấn, nhiều phụ huynh bắt đầu quan tâm, gần gũi với con hơn. Có người còn đi học lớp kỹ năng dạy trẻ tự kỹ để về dạy cho con. Chị Ph.T.Ng, 32 tuổi (Q.2, TP.HCM) tự học lớp để về dạy cho con. Con gái chị Ng năm nay 5 tuổi. Lúc 2 tuổi đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn phát triển lan tỏa. Sau đó chị đi học kỹ năng chơi với trẻ do Bệnh viện Nhi Đồng I mở. 

Ba năm qua, chị trở thành cô giáo, chỉ bày cho con học nói, học chơi các trò chơi. Chị Ng, chia sẻ để dạy con chị phải mua rất nhiều đồ chơi, nhất là các đồ chơi về trí tuệ, đòi hỏi sự tập trung cao của bé. Cứ 3 hoặc 6 tháng chị đưa bé đi tái khám để kiểm tra tình trạng bệnh và lên chương trình học 3-6 tháng tiếp theo cho bé. Sau đó chị lại theo chương trình để dạy cho con. 

Còn chị D.Th.L., 35 tuổi (Q.8, TP.HCM) còn thuê giáo viên trường chuyên biệt về dạy cho con. Chị L. kể dù là con gái nhưng bé nhà chị rất nghịch, đánh bạn. Đi nhà trẻ ở đâu cũng được một thời gian cô giáo ở đều trả lại. 

Để yên tâm, chị L. thuê thêm cô giáo ở trường chuyên biệt về dạy cho con. Cô giáo chủ yếu dạy cho bé các bài học chào hỏi, tập nói, bắt chước tiếng kêu các loại động, hướng dẫn bé chơi trò chơi... “nhờ cả cô và mẹ dạy nên bé cũng đỡ hơn nhiều”, chị L. chia sẻ.

TIẾN LONG